Tọa đàm về một số dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư

07/10/2008

Hanoinet - Ngày 4/10, tại thành phố Ninh Bình, Trung tâm Thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) đã tổ chức tọa đàm về ba dự án Luật Quy hoạch đô thị, Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và Luật Cán bộ công chức. Đây là các dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại tại kỳ họp thứ tư sắp tới.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi đặt vấn đề nghiên cứu xây dựng dự án Luật Qui hoạch đô thị (QHĐT) thì Việt Nam có 543 đơn vị hành chính được xác định là đô thị các loại, đến nay, con số này tăng lên là 750, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đô thị trực thuộc Trung ương đặc biệt; Hải Phòng và Đà Nẵng là 2 TP trực thuộc Trung ương loại 1… Hiện dân số tại các đô thị chiếm tới 30% tổng dân số, 80% GDP. 100% các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học đặt tại các đô thị... Với 7 chương, 81 điều, Luật QHĐT được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị; bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại; đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Về Luật cán bộ công chức (CBCC), Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng dự án Luật này là đổi mới một cách cơ bản hoạt động công vụ, công chức phù hợp với thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhà nước hiện nay không chỉ đơn thuần giữ chức năng quản lý mà đã bổ sung thêm chức năng phục vụ, đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Dự thảo Luật bảo đảm tính kế thừa Pháp lệnh Cán bộ công chức và tiếp tục hoàn thiện, phát triển đối với các quy định về công vụ, công chức; bảo đảm tính minh bạch, công khai và tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động công vụ, phù hợp với tình hình đặc điểm cụ thể của Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm, thành tựu khoa học của các nền công vụ tiên tiến trên thế giới.

Dự thảo Luật cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài được xây dựng theo nguyên tắc thể chế hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. TS Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, 5 năm trở lại đây, số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng đáng kể, từ con số 55 (1993) đến nay đã tăng lên 84, trong tổng số 169 quốc gia có quan hệ ngoại giao với nước ta. Một số nhiệm vụ mới trong hoạt động đối ngoại như phục vụ cho phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động, hợp tác về an ninh, ngoại giao văn hóa, đầu tư, du lịch…đã được pháp điển hóa trong Luật.

 

H.Anh

(http://www.ktdt.com.vn/)