Sáng 22.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười hai.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến đối với Báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH và Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2005-2007.
UBTVQH đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007. Trình bày Báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết: Mục đích của đợt giám sát là đánh giá tình hình ban hành và thực hiện trên thực tế chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương; làm rõ những vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật và những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện; Xác định những nguyên nhân và kiến nghị hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa các chính sách pháp luật hiện hành... Theo Báo cáo của Đoàn giám sát thì các bộ, ngành, địa phương đã chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều công trình quy mô lớn, các cơ sở dịch vụ công ích, nhiều khu kinh tế, khu đô thị mới đã được hình thành. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém làm giảm hiệu quả đầu tư. Đó là kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội quá tải; tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư bằng nguồn vốn khác; đầu tư thiếu đồng bộ; tình trạng bố trí vốn dàn trải vẫn còn phổ biến; vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản...
Đoàn giám sát của UBTVQH cho rằng nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, yếu kém là: hệ thống văn bản còn vướng mắc, thủ tục quy định còn phiền hà; công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa tốt; năng lực của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thiếu trình độ chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp; năng lực của một số nhà thầu tư vấn và xây lắp còn yếu; một bộ phận công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản chưa đủ mạnh và nghiêm minh.
Đoàn giám sát nhận định, hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tế và có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành kịp thời; nhiều nội dung không phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, cũng có những văn bản thường xuyên thay đổi trong thời gian ngắn, tính nhất quán giữa các văn bản không cao, thiếu tính dự báo làm cho việc triển khai thực hiện bị động, lúng túng. Do đó, với 4 kiến nghị của Đoàn giám sát thì kiến nghị đầu tiên là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật về xây dựng, đấu thầu, đất đai, ngân sách nhà nước để bảo đảm sự thống nhất, khắc phục vướng mắc và mâu thuẫn giữa một số nội dung trong các luật; đồng thời tiếp tục ban hành các luật có liên quan đến xây dựng cơ bản.
Một trong những kiến nghị nữa của Đoàn giám sát là phải nâng cao chất lượng, tính pháp lý của công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản. Tập trung đầu tư cho công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường tính thống nhất giữa quy hoạch của các địa phương với quy hoạch của các vùng miền, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển của cả nước....
Chiều 22.9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công.
Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật quản lý nợ công, trong thời gian vừa qua công tác quản lý nợ công đã dần đi vào nền nếp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua hoạt động vay nợ đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, đồng thời vẫn bảo đảm quản lý tốt khối nợ trong giới hạn an toàn. Việc trả nợ Chính phủ trong và ngoài nước luôn thực hiện đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn. Tuy nhiên, về khung pháp lý, do chưa có Luật về quản lý nợ công nên chưa có sự hiểu biết và nhất quán các khái niệm về nợ. Về tổ chức quản lý nợ công, việc phân công, phân nhiệm và ủy quyền trong quản lý nợ Chính phủ vẫn còn chồng chéo, không tập trung và chưa hình thành được bộ máy quản lý nợ chuyên nghiệp, có chức năng quản lý thống nhất nợ trong và ngoài nước; Về cơ chế quản lý, trách nhiệm của các cấp, các cơ quan quản lý nợ chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng, chưa chủ động trong điều hành vay nợ để giảm thiểu chi phí... Do vậy, việc ban hành Luật quản lý nợ công sẽ tạo ra khung pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý, xác định rõ các nội dung quản lý chủ đạo như: phạm vi quản lý nợ công, mục đích vay nợ, trách nhiệm trả nợ, tổ chức quản lý nợ tập trung và thống nhất, nghĩa vụ quyền hạn của các cơ quan và đưa ra các nguyên tắc chính nhằm chuẩn hoá quy trình vay, trả nợ. Nhằm thống nhất đầu mối quản lý, khắc phục một trong những tồn tại cơ bản trong quản lý nợ công hiện nay là quản lý phân tán, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện kiểm tra, kiểm soát của toàn xã hội đối với việc vay, trả nợ và nhằm tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách đối với dự án Luật này, về cơ bản nội dung của dự thảo Luật Quản lý nợ công đã thể hiện tương đối bao quát các vấn đề, nhiều nội dung quy định theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể. Nhiều vấn đề mới chỉ được thể hiện dưới dạng nguyên tắc chung, không quy định nội dung cụ thể hoặc quy định quá đơn giản; Chưa quy định rõ những nội dung nào sẽ được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật. Việc không xác định nội dung cụ thể nào được hướng dẫn thi hành sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong ban hành văn bản hướng dẫn; Đồng thời không đủ căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện quyền giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo luật, UB Tài chính và Ngân sách nhận thấy, việc xây dựng luật về quản lý nợ công phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với toàn bộ hệ thống pháp luật, có nghiên cứu đầy đủ các đạo luật liên quan nhằm bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất, khắc phục tình trạng xung đột pháp luật, chồng chéo giữa các quy định. Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo luật chưa thể hiện tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan.