Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 12 dự kiến khai mạc vào ngày 20/10

28/08/2008

Trong vòng 1 tháng làm việc, kỳ họp sẽ xem xét các báo cáo kinh tế, xã hội và giám sát tối cao.

(VOV)_ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 12 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 24/11.

Trước khi tiến hành bế mạc phiên họp lần thứ 11, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá 12, chiều nay (27/8) các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 12 và nghe Văn phòng Quốc hội trình bày Đề án cải tiến tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội.

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII sẽ dành 11 ngày thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và giám sát tối cao; 18 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, dự kiến thảo luận 8 dự án luật và 1 nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Điểm mới về nội dung là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri trước khi thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước để có thêm cơ sở cho việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng. Kỹ họp sẽ bố trí xen kẽ việc đọc tờ trình, báo cáo với việc thảo luận; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành trước ngày bế mạc khoảng 10 ngày để có thời gian cho việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết về chất vấn khi cần thiết.

Kỳ họp cũng dành nửa ngày để Thủ tướng Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu lên. Về đề án cải tiến cách thức tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội, tập trung cải tiến công tác chuẩn bị kỳ họp, cách thức tiến hành phiên họp trù bị, cách trình bày tờ trình, báo cáo tại hội trường, cải tiến cách thức xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Cách thức thảo luận, thông qua các dự án Luật cũng có những cải tiến, nâng cao chất lượng bước thảo luận lần đầu các dự án Luật, dự thảo nghị quyết và cải tiến cách thức thảo luận ở Tổ theo nhóm vấn đề. Một số thủ tục khi thông qua Luật, Nghị quyết được rút gọn. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đề án cơ bản thống nhất việc thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường theo nhóm vấn đề. Tại hội trường chỉ lựa chọn một số nhóm vấn đề để tập trung chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng đối thoại, tranh luận sâu từng vấn đề. Những người có trách nhiệm liên quan được đưa ra chất vấn đều có thể được yêu cầu trả lời trực tiếp tại hội trường. Tuỳ tính chất và nội dung chất vấn mà Quốc hội sẽ quyết định ban hành nghị quyết riêng về chất vấn./.

 

 

Đặng Linh

(http://www.vovnews.vn/)