Phiên họp thứ Chín của UBTVQH

01/07/2008

Sáng 30.6, dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã họp Phiên thứ 9. Chỉ gói gọn trong một ngày, tại Phiên họp này, UBTVQH đã đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XII; Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Công an xã; Xem xét tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc cử thành viên Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và kiểm sát viên Viện Kiểm sát quân sự trung ương.

Báo cáo đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ Ba do Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn trình bày, khẳng định: Kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn nội dung chương trình với chất lượng và hiệu quả được nâng lên; Kỳ họp được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; Công tác tổ chức, điều hành Kỳ họp tiếp tục được cải tiến, tiết kiệm thời gian; Không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm được dư luận và cử tri ghi nhận. Tuy nhiên, thời hạn gửi tài liệu đến ĐBQH vẫn chưa đúng quy định; Hoạt động giám sát tại Kỳ họp của QH chưa thực sự hiệu quả do các giải pháp đưa ra chưa thực sự mang tính đột phá, việc đôn đốc các cơ quan hữu quan thực hiện kết luận giám sát cũng chưa được chú trọng; Cách thức thảo luận tại Hội trường vẫn chưa được cải tiến toàn diện, tính phản biện, tranh luận chưa cao, chất lượng phát biểu chưa đồng đều... Để tiếp tục nâng cao chất lượng các Kỳ họp QH, Chủ nhiệm Trần Đình Đàn đề nghị: Cần xem xét, đánh giá hiệu quả việc thảo luận tổ, chỉ những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau mới đưa ra thảo luận tại Hội trường; Tiếp tục cải tiến cách thức tổng hợp theo nhóm vấn đề, đầy đủ ý kiến nhiều chiều để ĐBQH có cơ sở xem xét, quyết định; Có văn bản chính thức hướng dẫn về cách thức chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó quy định chất vấn theo từng nhóm vấn đề, quy định thời gian nêu câu hỏi, số lần hỏi tối đa của một ĐBQH đối với một người trả lời và cần bố trí thời gian khoảng 1 buổi để Thủ tướng trả lời các chất vấn trực tiếp tại Hội trường; Đẩy mạnh công tác hậu giám sát, cụ thể là cần phải có Nghị quyết của QH về các vấn đề đã được chất vấn để bảo đảm những vấn đề đó được giải quyết nghiêm túc và phải có chế tài đối với việc thực hiện lời hứa của thành viên Chính phủ. Tán thành với quan điểm này, Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng cho rằng: Việc chọn chất vấn cá nhân Bộ trưởng tại Kỳ họp của QH là không đúng trọng tâm vì những vấn đề thuộc tầm giám sát tối cao của QH phải là vấn đề điều hành chung của Chính phủ, tức là QH phải chất vấn Chính phủ mà Thủ tướng phải là người trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH hoặc nếu Thủ tướng giao trách nhiệm cho các thành viên của Chính phủ trả lời thay thì đó cũng phải là trả lời mang tầm của Chính phủ chứ không phải là trả lời mang tầm của Bộ, ngành. Cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn: Rút ngắn thời gian Kỳ họp là chủ trương đúng đắn nhưng không phải lúc nào cũng cứ nhăm nhăm rút ngắn thời gian mà cần phải bảo đảm thời gian hợp lý; Vừa muốn làm nhiều, vừa muốn chất lượng lại muốn bố trí ít thời gian là rất khó, các Kỳ họp vừa qua đã khiến các vụ chuyên môn của VPQH, HĐDT và các UB phải chạy đua với chương trình rất mệt mỏi. Các Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị nên rút ngắn thời gian thông qua các đạo luật tại Kỳ họp, xác định rõ chính sách lập pháp đối với mỗi dự án luật để tránh tình trạng QH phải mất quá nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề không đúng với đơn đặt hàng của QH hoặc những vấn đề về kỹ thuật lập pháp.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã nghe Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Pháp lệnh Công an xã. Công an xã vừa là lực lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về bảo đảm an ninh, trật tự vừa là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Giúp Ủy ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn xã; Cũng là lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự cơ sở... nhưng chế độ, chính sách, nhất là các quy định về tổ chức, biên chế, tiền lương, phụ cấp và chế độ chính sách đối với công an xã bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã khiến không ít Phó trưởng công an xã và công an viên không mặn mà với nhiệm vụ của mình, đã xin thôi việc hoặc tự ý bỏ việc. Trong khi đỉ, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật ở địa bàn nông thôn đang có xu hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp; Tình hình khiếu kiện đông người, các tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân chậm được giải quyết, gây phức tạp về an ninh, trật tự và đặc biệt là các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Xuất phát từ thực tế đó, dự án Pháp lệnh Công an xã đã quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của công an xã; Bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ chính sách đối với công an xã; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về công an xã... Khẳng định sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh Công an xã làm cơ sở pháp lý cao hơn cho việc xây dựng lực lượng, tổ chức và hoạt động của Công an xã, nhưng, trình bày Báo cáo thẩm tra của UB Quốc phòng và An ninh, Chủ nhiệm Lê Quang Bình cho rằng: Quy định như dự thảo sẽ không khắc phục được những khó khăn, vướng mắc và thiếu thống nhất hiện nay; Và đề nghị: Dự thảo Pháp lệnh nên quy định cụ thể theo hướng Trưởng công an xã được hưởng lương theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Phó trưởng ban công an xã và công an viên được hưởng phụ cấp không thấp hơn mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức; Đồng thời căn cứ vào điều kiện cụ thể và cân đối nguồn ngân sách của từng địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình HĐND quyết định mức phụ cấp cụ thể cho các chức danh công an xã; Công an xã nếu hy sinh hoặc bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, có cảm giác dự thảo Luật đang biến công an xã thành lực lượng chính quy, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng: Cứ quy định như dự thảo Pháp lệnh thì ngân sách nhà nước sẽ không thể gánh nổi. Tán thành quan điểm này, Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước đề nghị cần phải xác định rõ trong quan điểm xây dựng Pháp lệnh lực lượng công an xã cũng là một thiết chế tự quản ở cơ sở, từ đó mới xác định được trách nhiệm của nhà nước, các cấp chính quyền trong việc bảo đảm các điều kiện hoạt động cũng như chế độ, chính sách cho công an xã.

Cũng trong Phiên làm việc ngày hôm qua, UBTVQH đã cho ý kiến về nhân sự Phó tổng Kiểm toán nhà nước và thông qua tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng về việc quyết định cử Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Trung Kiên tham gia Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.

P. Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)