Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ năm 2003-2005, do việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông nên tai nạn giao thông có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo, tai nạn giao thông tăng trở lại cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tình trạng ùn tắc giao thông chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn, đặc biệt nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài thiệt hại về người, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông còn gây tổn thất lớn về kinh tế và tác động xấu tới môi trường đầu tư và tâm lý xã hội. Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông là do: Các văn bản hướng dẫn thực thi Luật chậm được ban hành hoặc chất lượng thấp; Tuyên truyền, giáo dục pháp luật thiếu chiều sâu; Triển khai xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chậm, chất lượng thấp. Lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính còn thiếu, chế tài xử phạt nhẹ nên không đủ sức răn đe...
Đồng tình với các nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài mà Chính phủ đưa ra nhưng theo Đoàn giám sát trong điều hành chung của Chính phủ và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành về bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn mang tính cục bộ, chưa tính đến quy hoạch tổng thể của nền kinh tế và khả năng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Chính phủ cần hoạch định chiến lược phát triển giao thông vận tải có tầm nhìn xa hơn, ít nhất cũng phải đến năm 2050 để tránh tình trạng manh mún, chắp vá; Đồng thời cần làm tốt công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế xã hội, xu hướng phát triển của các yếu tố có tác động đến trật tự, an toàn giao thông để chủ động xử lý.