Triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Yên Bái đã tiến hành rà soát, đánh giá thực chất tình hình tổ chức bộ máy và số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ tư pháp; Nghiêm túc thực hiện các quy trình, thủ tục tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ có chức danh tư pháp. Đến nay, các cơ quan tư pháp đã cơ bản kiện toàn được đội ngũ cán bộ chuyên môn cả về số lượng và chất lượng; 7/9 Tòa án nhân dân cấp huyện đã được tăng thẩm quyền xét xử theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự; Các hoạt động bổ trợ tư pháp, công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực. Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND các cấp cũng thường xuyên giám sát việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quy định pháp luật về điều tra, truy tố, xét xử, công tác thi hành án dân sự, hình sự; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp và phối hợp với UB Pháp luật của QH giám sát việc tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, chất lượng tranh tụng tại tòa án còn hạn chế, vai trò của luật sư còn mờ nhạt; Nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong việc chỉ đạo quyết liệt và triển khai toàn diện các lĩnh vực cụ thể của chiến lược cải cách tư pháp. Ghi nhận những kiến nghị của Yên Bái, đặc biệt là về chế độ chính sách cho cán bộ tư pháp, Phó chủ tịch QH yêu cầu tỉnh cần: Tích cực thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động cải cách tư pháp nói chung, các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp nói riêng; Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp cả về trình độ, năng lực chuyên môn, đạo đức, lập trường tư tưởng, chính trị và kiến thức về các lĩnh vực kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành tư pháp trong thời gian tới.