Khai mạc Phiên họp thứ Năm của UBTVQH

26/01/2008

Sáng 24.1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Năm. UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mai Phiên họp.
Ảnh: Trí Dũng

 

* Dự án Luật Ban hành văn bản QPPL: Loại bỏ những văn bản không mang tính quy phạm pháp luật

* Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản

 

            Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã được QH Khóa XII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai. Tuy nhiên, nhiều vấn đề quan trọng của dự thảo luật này còn có ý kiến khác nhau. Báo cáo về 9 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật này do Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày, bao gồm: Việc đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Lập dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh; UBTVQH cho ý kiến vào các dự án Luật, pháp lệnh; Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật sau khi đã được QH cho ý kiến; UB Pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Giải trình của cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự thảo luật, pháp lệnh; Xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; Kỹ thuật văn bản và Trình tự, thủ tục sửa đổi Hiến pháp.

      Thống nhất quan điểm cần phải đơn giản hóa hệ thống văn bản QPPL để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật hiện hành nhưng theo ý kiến của một số Ủy viên UBTVQH, cách thức đơn giản hoá mà Chính phủ trình QH là việc làm nửa vời. Lý giải cho nhận định này, theo một số Ủy viên UBTVQH, gọi là đơn giản hoá hệ thống văn bản QPPL nhưng Chính phủ không giảm bớt số lượng văn bản QPPL mà chỉ là chuyển đổi từ hình thức văn bản QPPL sang hình thức văn bản không mang tính QPPL. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lo ngại: Nếu quy định như dự thảo Luật là: Việc ban hành Luật này không làm phát sinh việc bãi bỏ, sửa đổi những văn bản mang tính chất QPPL của các cơ quan có thẩm quyền ban hành có hiệu lực trước khi Luật này được ban hành- thì thay vì đơn giản hoá sẽ làm phức tạp thêm hệ thống văn bản QPPL. Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai gay gắt: Không thể để tồn tại tình trạng cùng một hình thức văn bản nhưng cái ban hành trước khi Luật này có hiệu lực thì là văn bản QPPL còn cái ban hành sau lại không phải là văn bản QPPL được. Quy định như vậy thì chưa vội nói đến người dân mà chính các chuyên gia lập pháp cũng đầu hàng. Đồng tình với quan điểm này, nhiều Ủy viên UBTVQH kiến nghị: Chính phủ phải rà soát toàn bộ hệ thống văn bản QPPL hiện hành, xác định những hình thức văn bản nào không mang tính QPPL thì phải loại bỏ hoàn toàn ra khỏi hệ thống và cả thời gian chấm dứt hiệu lực thi hành của các văn bản này. Có như vậy người dân mới không bị lúng túng khi thực hiện các quy định của pháp luật. UBTVQH cũng thống nhất: Giữ nguyên các hình thức văn bản QPPL của QH, Chủ tịch Nước và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chính phủ chỉ còn một hình thức văn bản QPPL là Nghị định; Hình thức văn bản QPPL của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định; Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ chỉ được ban hành một loại văn bản mang tính chất QPPL là Thông tư và các hình thức thông tư liên tịch giữa bộ với các tổ chức chính trị xã hội sẽ không được công nhận là văn bản QPPL.

      Trước mâu thuẫn trong hoạt động của QH với khối lượng công việc ngày càng lớn nhưng thời gian Kỳ họp phải rút ngắn thì việc UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo luật trước khi trình QH thông qua là vấn đề hết sức quan trọng để bảo đảm chất lượng các dự án luật. Theo UB Pháp luật, UBTVQH chỉ nên cho ý kiến về những vấn đề cơ bản và những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị: UBTVQH cần phải xem xét kỹ toàn bộ dự thảo luật và chịu trách nhiệm về từng điều khoản của dự án luật đó vì trên thực tế, không nhiều ĐBQH, thậm chí cả cơ quan soạn thảo và người đứng đầu cơ quan trình - dành thời gian đọc kỹ dự án luật từ đầu đến cuối. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển có cùng quan điểm và đề nghị: UBTVQH cần phải đầu tư công phu hơn một chút vì ngay trong cơ quan soạn thảo, các Bộ, ngành của Chính phủ cũng đã có ý kiến khác nhau rồi, nếu UBTVQH cũng cứ giản lược dần đi những vấn đề cần cho ý kiến thì chất lượng dự án luật sẽ không được bảo đảm.

      Một vấn đề nữa được các Ủy viên UBTVQH hết sức quan tâm là vai trò của UB Pháp luật trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật trước khi trình QH thông qua. Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình thẳng thắn: UB Pháp luật làm chưa tốt nên mới có tình trạng luật này đá luật kia, hệ thống pháp luật mới chồng chéo, mâu thuẫn như thế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Quang Bình cũng chỉ ra rằng: Nguyên nhân khiến UB Pháp luật chưa làm tốt vai trò của mình là vì Luật chưa xác định một cơ chế cụ thể, rõ ràng. Đa số Ủy viên UBTVQH thống nhất cần phải đưa việc UB Pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật trở thành quy trình bắt buộc trước khi dự án Luật được trình QH thông qua. Nếu dự thảo luật nào mà UB Pháp luật kết luận chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì dứt khoát không được trình QH thông qua và UB Pháp luật phải chịu trách nhiệm trước UBTVQH và QH về vấn đề này.

      UBTVQH cũng đã cho ý kiến về Lập dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh; Xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; Kỹ thuật văn bản; Trình tự, thủ tục sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH vẫn chưa thống nhất ý kiến về các vấn đề này.

      Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Phạm Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)