Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang tổng kết hoạt động năm 2024
Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang hoạt động tích cực tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
Đề cập về kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, đối với công tác lập pháp, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 05 hội nghị lấy ý kiến, trong đó giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn phản biện lấy ý kiến vào 05 dự án luật; tổ chức 03 hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, người lao động gắn với lấy ý kiến vào 03 dự án luật; thực hiện 05 cuộc giám sát, khảo sát gắn với lấy ý kiến vào 05 dự án luật; ban hành 39 văn bản xin ý kiến các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố góp ý đối với các dự án luật trình tại các kỳ họp Quốc hội, tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn để lựa chọn nội dung nghiên cứu, tham gia phát biểu thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng đã tham gia phát biểu vào dự thảo Luật với 30 lượt thảo luận tại tổ và 14 lượt thảo luận tại hội trường. Nhiều ý kiến của Đoàn đã được Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý trước khi thông qua. Các ĐBQH là thành viên của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia tích cực trong hoạt động thẩm tra, khảo sát các dự án luật theo phân công.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/271220241225-ha-giang-1.jpg)
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang (hàng ghế đầu tiên)
Đối với công tác giám sát: Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã thực hiện hoàn thành theo chương trình giám sát năm 2024 với 01 cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật (CSPL) về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2021 – 2024 trên địa bàn tỉnh; thực hiện hoàn thành 04 cuộc khảo sát: (1) khảo sát việc thực hiện CSPL về điện lực giai đoạn 2022 - 2024 trên địa bàn tỉnh; (2) khảo sát, làm việc về việc thực CSPL về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2022 - 2024 trên địa bàn tỉnh; (3) khảo sát, làm việc về CSPL về Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; (4) Khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với Nhà giáo trên địa bàn tỉnh.
Đối với giám sát, khảo sát theo kế hoạch của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã triển khai và thực hiện hoàn thành 03 cuộc giám sát theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: (1) Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; (2) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; (3) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tham gia và phối hợp với Đoàn giám sát (khảo sát) của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội 02 cuộc: (1) Tham gia đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng dân tộc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023 trên địa bàn tỉnh; (2) Tham gia phối hợp với Ủy ban Pháp luật Quốc hội thực hiện khảo sát dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/271220241224-db-ly-thi-lan.jpg)
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng đã thực hiện giám sát theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà ĐBQH, Đoàn ĐBQH đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH đã tiếp nhận 24 văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và kịp thời thông báo đến địa phương đến Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương để thông tin đến cử tri và đăng tải trên trang Thông tin điện tử Đại biểu nhân dân Hà Giang. Văn bản trả lời đã tập trung vào những vấn đề cử tri kiến nghị, trong đó một số kiến nghị liên quan đến việc ban hành chính sách, pháp luật đã được tiếp thu, giải quyết kịp thời. Hiện nay, còn 01 kiến nghị được tổng hợp chuyển sang trước kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV chưa được giải quyết, trả lời. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, cập nhật và chuyển đến cử tri đầy đủ khi bộ, ngành Trung ương trả lời.
Đối với việc tổ chức để các ĐBQH tiếp công dân; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng lịch tiếp công dân gắn với đối thoại nhân dân của các ĐBQH định kỳ định kỳ vào ngày 20 hàng tháng tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Lịch tiếp công dân được niêm yết công khai tại các điểm tiếp công dân, Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân có thể theo dõi, tham gia. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân công 01 cán bộ chuyên trách làm công tác dân nguyện để phối hợp với Ban tiếp công dân của tỉnh thường xuyên tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo yêu cầu của ĐBQH.
Kịp thời giải quyết đơn thư, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân
Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tiến hành tổ chức 18 buổi tiếp công dân định kỳ. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan khẳng định, thông qua hoạt động tiếp công dân, các ĐBQH tỉnh đã lắng nghe, giải thích và hướng dẫn công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; đồng thời, đề nghị các Sở, ngành, địa phương có liên quan kịp thời giải quyết đơn thư của công dân, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Qua các buổi tiếp công dân cho thấy, công dân rất hài lòng, đồng thuận với việc cách thức tổ chức tiếp công dân của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng như phương pháp điều hành, chỉ đạo của các ĐBQH tỉnh được phân công chủ trì buổi tiếp công dân đối với những vấn đề mà công dân bức xúc nêu trong đơn, do đó, công dân không có đơn thư phản ánh, kiến nghị tiếp theo.
Về tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được Đoàn ĐBQH quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện nghiêm túc, xử lý kịp thời đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình xử lý, luôn nghiên cứu một cách thận trọng nội dung đơn thư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để nắm bắt tình hình, kết quả tiếp nhận, tiến độ giải quyết để từ đó xử lý đơn chính xác, hạn chế tình trạng đơn thư gửi đi, gửi lại nhiều lần mà chưa được giải quyết và tình trạng vụ việc đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn không chấp hành, vẫn cố tình gửi đơn, 100% đơn thư đủ điều kiện đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định, không có đơn thư tồn đọng mà chưa được xử lý.
Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận 77 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân (trong đó, có 02 đơn khiếu nại, 18 đơn tố cáo, 57 đơn kiến nghị, phản ánh). Nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà cửa, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tố cáo dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án, đề nghị đình chỉ vụ án, đề nghị thụ lý, xác minh vụ án…
Qua nghiên cứu xem xét, Đoàn ĐBQH chuyển 04 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (04/04 đơn đã có báo cáo kết quả giải quyết). Lưu theo dõi 69 đơn (do không đủ điều kiện giải quyết), trong đó có 43 đơn ngoại tỉnh gửi nhiều nơi, nhiều cấp; 01 đơn chuyển nhầm địa chỉ, 04 đơn trong tỉnh gửi nhiều nơi (trong đó có gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết); 06 đơn không rõ nội dung, địa chỉ không rõ ràng.
Bám sát chương trình, nội dung hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách toàn diện
Đề cập về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, về công tác lập pháp, Đoàn tiếp tục bám sát chương trình, nội dung hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách toàn diện để chuẩn bị xây dựng kế hoạch từ sớm từ xa phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV và các Kỳ họp bất thường (nếu có). Tích cực tham gia các Hội thảo, Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn, tham vấn do các cơ quan của Quốc hội tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến đa chiều từ các đối tượng chịu sự tác động, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tăng cường lấy ý kiến cử tri qua các trang tin điện tử của chính quyền địa phương.
Về công tác giám sát: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung giám sát theo Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH và của Đoàn ĐBQH tỉnh; Tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khi được yêu cầu; trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức một số cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, nhất là những vấn đề đang nổi cộm, bức xúc mà cử tri quan tâm và những nội dung cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách pháp luật; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Về tham dự Kỳ họp của Quốc hội: Đoàn tiếp tục chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện để các ĐBQH của Đoàn tham gia đầy đủ các phiên họp, thực hiện đúng quy định, nội quy, quy chế Kỳ họp; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp kiến về công tác xây dựng Luật, kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, giám sát chuyên đề, chất vấn…; làm tốt công tác truyền thông, đưa tin, phản ảnh kịp thời các hoạt động của Đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về việc tổ chức để các ĐBQH tiếp xúc cử tri: Đoàn nghiên cứu tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp xúc cử tri để kịp thời truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tiếp thu, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, ban, ngành và cử tri; Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và chính quyền các địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau các kỳ họp Quốc hội tại các xã, phường, thị trấn; Tiếp tục đổi mới và tăng cường TXCT theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác... Đồng thời, tổng hợp đầy đủ và phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND các cấp và các cơ quan chức năng liên quan ở địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Thông tin các nội dung trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan chức năng tại các buổi TXCT.
Về việc tổ chức để các ĐBQH tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức cho các đại biểu trong Đoàn tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định; tổ chức tiếp công dân chuyên đề; duy trì công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó tập trung đôn đốc giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.