Xây dựng chính quyền đô thị Hải Phòng với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Thành phố Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Xác định vai trò, vị thế quan trọng của thành phố Hải Phòng, ngày 24/01/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 “Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đến năm 2030 “Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh”.
Sau hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của Thành phố.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 10
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hiện nay trong hệ thống pháp luật có 2 thuật ngữ là “cấp chính quyền” và “chính quyền”. Trong đó, cấp chính quyền là ở những nơi có cả HĐND, UBND; còn nơi không có HĐND mà chỉ có UBND thì gọi là chính quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay nước ta có nhiều mô hình về cấp chính quyền, trong đó, ở nông thôn bao gồm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Cấp chính quyền ở đô thị có mô hình thứ nhất là chính quyền đô thị một cấp, tức là chỉ có ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mô hình này đang áp dụng cho Tp. Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Mô hình thứ hai là mô hình chính quyền đô thị hai cấp bao gồm cấp tỉnh/thành phố và cấp quận, không có HĐND cấp phường, mô hình này đang áp dụng ở Tp. Hà Nội theo Luật Thủ đô.
Nhấn mạnh thành phố Hải Phòng hiện nay đang áp dụng mô hình chính quyền ba cấp, tức là cấp tỉnh, cấp quận/huyện và cấp xã/phường, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu Nghị quyết này được ban hành thì thành phố Hải Phòng sẽ áp dụng mô hình chính quyền đô thị một cấp giống như Tp. Đà Nẵng. Theo đó, mô hình này thể hiện được sự năng động và phù hợp với quy mô của thành phố Hải Phòng hiện nay.
Liên quan tới cơ cấu tổ chức HĐND, theo Tờ trình của Chính phủ, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cấp thành phố tăng nhưng giảm toàn bộ đại biểu HĐND cấp quận và cấp phường. Như vậy tổng số biên chế sẽ giảm rất nhiều nhưng chức năng, nhiệm vụ giám sát của cơ quan dân cử và vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền vẫn được bảo đảm. Về số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định như áp dụng với Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, tức là theo phân loại đơn vị hành chính.
Đối với điểm e, khoản 1, Điều 2 trong dự thảo Nghị quyết quy định HĐND Thành phố Hải Phòng được điều chỉnh các quy định về trình tự, thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo là chưa phù hợp về thẩm quyền. “Trình tự, thủ tục nhiều nội dung được luật quy định nhưng cũng nhiều nội dung Chính phủ quy định, bây giờ giao cho HĐND có quyền điều chỉnh là bị vượt quyền. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị không quy định điểm này trong dự thảo Nghị quyết…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ 10
Về Đề án thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Cũng theo Đề án, sẽ cơ cấu lại Thành phố Huế hiện nay (thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên Huế) để thành lập hai quận Thuận Hóa và quận Phú Xuân. Đồng thời, thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở huyện Phong Điền và tách nhập một số thị trấn, thị xã.
Như vậy, tổng cộng sẽ liên quan đến 4/9 đơn vị cấp huyện phải tiến hành sắp xếp, 21/141 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại. Sau khi sắp xếp lại, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. tổng số đơn vị hành chính vẫn là 9 và sẽ có 133 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn). So với hiện hành thì giảm được 8 đơn vị hành chính cấp xã
Tán thành việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là không chỉ là niềm tự hào của người dân Huế mà sẽ là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, dồn sức xây dựng một thành phố Cố đô, thành phố di sản văn hóa theo hướng bảo tồn, phát huy di sản cổ, bản sắc văn hóa cổ.