THẢO LUẬN TỔ 3: CẦN CÓ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ MẠNH MẼ HƠN NỮA CHO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG PHÁT TRIỂN

31/05/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đa số các ý kiến tại Tổ 3 nhất trí với sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố Đà Nẵng phát triển. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự phiên thảo luận tại Tổ 3.

THẢO LUẬN TỔ 3: SỚM THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

THẢO LUẬN TỔ 3: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CẢNH VỆ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

THẢO LUẬN TỔ 3: CÔNG TÁC RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC THỰC HIỆN THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Đa số ý kiến tại Tổ 3 cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố Đà Nẵng để phát triển theo Nghị quyết 43-NQ/TW, Nghị quyết 26-NQ/TW và Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung của các nhóm chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng như Chính phủ trình, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ hơn để đảm bảo tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện. Đồng thời phải bảo đảm tính đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW, phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế nước ta với độ mở lớn, do đó cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy được nguồn lực, tập trung xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã bàn nhiều về vấn đề thí điểm cơ chế đặc thù, vượt trội. Đầu tiên thí điểm ở các địa phương có thế mạnh về cân đối được ngân sách và có nguồn thu ngân sách lớn, đầu tàu trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và các địa phương khác có tính đặc thù…

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

"Mỗi lần Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đặt ra câu hỏi, thứ nhất là đã đặc thù chưa (tức là phải khác so với các địa phương khác, thế mạnh của địa phương đó, đặc thù là cái riêng trong cái chung), thứ hai là đã vượt trội chưa…, qua đó để thiết kế chính sách đảm bảo tính khả thi và đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Qua nghiên cứu và các luật, nghị quyết đã được thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ chế đặc thù phải đảm bảo 3 yếu tố: chưa có quy định trong pháp luật; phải phát triển cao hơn Nghị định, Thông tư của Chính phủ, sau đó mới đưa vào nghị quyết, đưa vào luật; cần phải khác với luật hiện hành. Do đó, cơ chế đặc thù liên quan nhiều đến cơ chế phân cấp, phân quyền, về cải cách thủ tục hành chính, về quy trình, trình tự, thủ tục… Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, nếu cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội không kèm theo các điều kiện đó thì khó triển khai trong thực tiễn hoặc triển khai không hiệu quả.

Qua các phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, cái gì đã chín, đã rõ thì sớm tổng kết để nhân rộng trong phạm vi cả nước để triển khai thực hiện. Cái gì chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục thí điểm, tùy theo tính chất của các nghị quyết, thường thực hiện thí điểm từ 3-5 năm. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu xem xét cơ chế, chính sách của TP. Đà Nẵng đã đặc thù chưa (thế mạnh và khó khăn), đã vượt trội chưa? Đồng thời xem xét các quy định mà luật hiện hành chưa quy định, phát triển cao hơn so với Nghị định và Thông tư của Chính phủ cũng như quy định khác với Luật hiện hành, kèm theo các điều kiện thực tế để triển khai.

Liên quan đến tên gọi của Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên đổi tên gọi của Nghị quyết theo hướng là: Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đồng thời với mô hình chính quyền đô thị này, cần đánh giá tác động thêm, mở rộng và bổ sung điều gì…; quan tâm một số chính sách thí điểm như Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cơ chế một cửa, vấn đề thu hồi đất, phát triển trung tâm logistics, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Tp.Đà Nẵng, cho phép thử nghiệm có kiểm soát, các giải pháp công nghệ mới… Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các chính sách mới này, tuy nhiên cần lưu ý các quy định sao cho triển khai thực hiện các chính sách mới này, tránh phát sinh các vướng mắc.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố Đà Nẵng để phát triển theo Nghị quyết 43-NQ/TW, Nghị quyết 26-NQ/TW và Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị. Đại biểu nhận thấy, thành phố Đà Nẵng có quy mô nền kinh tế nhỏ, dư địa phát triển không còn nhiều, cơ cấu kinh tế thành phố bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Điểm nghẽn lớn nhất của thành phố hiện nay là chưa có “xung lực mới” làm động lực trong tăng trưởng và phát triển, tạo sự bức phá cho nền kinh tế. Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết.

Liên quan đến thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Lương Văn Hùng góp ý về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc thí điểm Khu thương mại tự do, mô hình Khu thương mại tự do, đại biểu Lương Văn Hùng nêu rõ, với thực trạng, tiềm năng, hiện nay của Đà Nẵng, tầm nhìn phát triển của thành phố theo Nghị quyết 43-NQ/TW, có thể cân nhắc lựa chọn mô hình đô thị kinh doanh tích hợp bao gồm 03 khu chức năng chính: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ.

Để đảm bảo tạo thuận lợi tối đa trong công tác quản lý, giai đoạn đầu của Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ không có dân cư thường trú và phải có hàng rào cứng để thuận lợi trong công tác kiểm soát. Trong quá trình hoạt động, vừa triển khai thí điểm vừa hoàn thiện theo hướng mở, mềm hoá ranh giới khi thỏa mãn các điều kiện nhất định để hình thành tại đây một đô thị kinh doanh toàn cầu, đẳng cấp quốc tế.

Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, cần thiết có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế. Áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan và các chính sách đang áp dụng đối với khu phi thuế quan.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng góp ý liên quan đến cơ chế, chính sách về phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo đó, các ý kiến nhận thấy, hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo, trong đó tập trung vào các chính sách thu hút chuyên gia, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giảng viên, sinh viên, kỹ sư, hỗ trợ doanh nghiệp bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo hoạt động trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vẫn cần những chính sách đặc thù của Trung ương về miễn giảm thuế, mặt bằng, đất đai, mua sắm thiết bị, hỗ trợ doanh nghiệp trong thủ tục đấu thầu, đấu giá … để có cơ chế hỗ trợ lớn hơn cho các đối tượng cần thu hút và hỗ trợ. Các chính sách do Trung ương ban hành sẽ có tác động đột phá trong việc thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư tại thành phố, giúp Đà Nẵng thu hút và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhân lực vững mạnh và bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo của thành phố nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 3:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các chính sách mới do Chính phủ trình, tuy nhiên đề nghị cần lưu ý các quy định sao cho việc triển khai thực hiện các chính sách mới này tránh phát sinh các vướng mắc

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ chế đặc thù phải đảm bảo 3 yếu tố: chưa có quy định trong pháp luật; phải phát triển cao hơn nghị định, thông tư của Chính phủ, sau đó mới đưa vào nghị quyết, đưa vào luật; cần phải khác với luật hiện hành. Do đó, điều này liên quan nhiều đến cơ chế phân cấp, phân quyền, về cải cách thủ tục hành chính, về quy trình, trình tự, thủ tục… Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, nếu cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội không kèm theo các điều kiện đó thì khó triển khai trong thực tiễn hoặc triển khai không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tại phiên thảo luận ở Tổ 3

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 phát biểu kết luận phiên thảo luận./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác