THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH CÓ Ý NGHĨA XÃ HỘI, NHÂN VĂN

23/05/2024

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Theo đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện những chương trình có ý nghĩa xã hội, nhân văn lớn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 20/5: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Toàn cảnh phiên họp 

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Một số ý kiến đại biểu đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 93% kế hoạch, qua đó đưa một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, giải quyết đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, tạo việc làm, hỗ trợ tăng trưởng, sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông được quyết liệt triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Đây là những thành tựu nổi bật, rất đáng ghi nhận của Chính phủ trong việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tham dự phiên họp

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Thực hiện kịp thời các chính sách với người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, trong đó hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm 3,2%. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được quan tâm; tập trung phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, những kết quả phát triển kinh tế là hết sức đáng ghi nhận bởi nền kinh tế của đất nước ta đang đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn mà các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đã chỉ ra. Đối với các mục tiêu về bình đẳng giới và bảo đảm an sinh xã hội, đại biểu đánh giá Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới và chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan ở trung ương và địa phương. Nhiều chính sách đã ban hành, đang đề xuất ban hành được sự mong đợi, kỳ vọng lớn từ cử tri, trong đó có những chính sách chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người có công, phụ nữ, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Đại biểu cho biết, tại nhiều kỳ họp trước, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến, kiến nghị Chính phủ tăng cường biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và chăm sóc trẻ em mồ côi, và Chính phủ với trách nhiệm của mình và sự tham mưu của các Bộ, ngành liên quan đã phê duyệt Chương trình với những nhiệm vụ, giải pháp khá cụ thể. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện Chương trình có ý nghĩa xã hội, nhân văn rất lớn này.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chỉ ra rằng, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cho các tuyến đường cao tốc, đường Quốc lộ, công trình dân dụng của người dân, làm chậm trễ tiến độ thi công ảnh hưởng đến giải ngân, giá vật liệu đắt đỏ gây bức xúc của người dân. Theo khảo sát, mỏ cát ở các sông nước ngọt khó có khả năng đáp ứng nhu cầu san lấp hiện nay. Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp cần thiết để khắc phục sớm nhất có thể, tìm vật liệu khác thay thế như cát biển qua xử lý, sỉ than, nhanh chóng thí điểm xây dựng cầu cạn đường cao tố để rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng phản ánh, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, chênh lệch lớn giữa giá trong nước và thế giới, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần có giải pháp dài hạn để quản lý ổn định thị trường vàng, việc đấu giá vàng của Ngân hàng nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời. Nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, sửa đổi Nghị định của Chính phủ để cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đóng góp ý kiến tại phiên họp

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như: hồ sơ một số đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định. Một số cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, chủ trì lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chưa thực sự chủ động, chưa đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát các yêu cầu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chưa chú trọng đầy đủ đến công tác tổng kết, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, các cơ quan, tổ chức có liên quan; chưa trù liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án…

Cũng tại phiên họp tổ này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các  mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Đại biểu Lê Quốc Phong - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp điều hành nội dung thảo luận

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tại phiên họp

Các đại biểu cho rằng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia ý kiến về kết quả thực hiện các  mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023./.

Hồ Hương - Minh Thành

Các bài viết khác