ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI TP.GÒ CÔNG, TP.MỸ THO VÀ HUYỆN CAI LẬY

08/05/2024

Sáng 08/5, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh gồm: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri TP. Gò Công, TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG LÀM VIỆC VỚI CÁC SỞ NGÀNH TỈNH

Tại các điểm tiếp xúc, sau khi nghe ĐBQH tỉnh Tiền Giang thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề bức xúc tại địa phương đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

Quan tâm về bảo hiểm xã hội

Cử tri huyện Cai Lậy thắc mắc người hết tuổi lao động có được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần để hưởng lương hưu suốt đời hay không?

Đồng chí Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh Tiền Giang lắng nghe ý kiến cử tri.

Đại diện BHXH huyện Cai Lậy cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyên phải đáp ứng 2 điều kiện: Là công dân Việt Nam, có độ tuổi từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc một trong các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Vì thế, người lao động (NLĐ) trên 60 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu khi nghỉ việc.

Cũng như các đối tượng khác, NLĐ trên 60 tuổi có thể lựa chọn 1 trong 6 phương thức đóng bảo hiểm, bao gồm: Đóng hằng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần và đóng một lần cho nhiều năm về sau, tối đa 5 năm/ần. NLĐ đã đủ tuổi hưởng lương hưu có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu, nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Do luật hiện hành chưa thực hiện được, ngành cũng ghi nhận ý kiến người dân đề xuất cấp trên để có sự thay đổi trong thời gian tới.

Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Ngoài ra, cử tri huyện Cai Lậy còn lo lắng việc người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái ồ ạt do thu nhập từ cây lúa rất thấp khiến mất cân bằng quy hoạch vùng. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy đã trả lời cụ thể các ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc.

Phản ánh vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất

Tại điểm tiếp xúc, cử tri TP. Gò Công phản ánh, kiến nghị những vấn đề chung của đất nước về cấm kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá; vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông đường bộ...; các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội tại địa phương về giá điện, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất; đề xuất đưa nước từ kInh Nguyễn Tấn Thành về vùng Ngọt hóa Gò Công...

ĐBQH tỉnh Tiền Giang lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

Giải trình vấn đề liên quan đến cung cấp nước sinh hoạt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Nguyễn Công Nghĩa cho biết: Trong thời gian đối mặt với hạn, mặn, công ty đã cho xây dựng các giếng khoan, lắp đặt ống nước ngầm... cung cấp trên 24.000 m3/ngày/đêm để phục vụ cho người dân tại các xã ở TP. Gò Công. Tuy nhiên, nguồn nước chưa đảm bảo cung ứng đầy đủ tại một số khu vực cuối nguồn, do một số khu vực đầu nguồn sử dụng máy bơm trực tiếp, gây thiếu hụt nguồn nước.

Hiện công ty đã xem xét, có kế hoạch điều chỉnh để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Từ ngày 30-3-2024 đến nay, công ty đã mở 15 vòi nước công cộng để người dân bơm, chứa nước miễn phí. Công ty cũng đã có kế hoạch xây dựng, lắp đặt ống nước tại các xã Tân Trung, Bình Đông...

Cũng tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri và trao đổi, làm rõ thêm một số ý kiến, kiến nghị cử tri phản ánh.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn trả lời ý kiến cử tri.

Đối với vấn đề quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, quy định về nồng độ cồn thuộc dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Trong đó, ý kiến thảo luận của ĐBQH các địa phương có 2 luồng thông tin: Thứ nhất, đề nghị cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; thứ hai, đề nghị phải có mức phạt phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ý kiến giải trình của Chính phủ cho biết, nguyên nhân phần lớn gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến thương tật vĩnh viễn, chết người đều do việc sử dụng rượu, bia... Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri để có ý kiến, đề xuất vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp tới, để luật đi vào cuộc sống và đảm bảo tính khả thi, đúng pháp luật.

Ngoài ra, các kiến nghị, phản ánh của cử tri đã được đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành có liên quan giải đáp thỏa đáng.

Kiến nghị vấn đề bảo hiểm y tế

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri xã Trung An, TP. Mỹ Tho có ý kiến, kiến nghị đến ĐBQH về các vấn đề: thiếu vắc xin tiêm ngừa cho trẻ em ở các trung tâm, bệnh viện ảnh hưởng đến việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, trong khi đó dịch vụ tư nhân đảm bảo phục vụ đủ vắc xin; việc khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế (BHYT) có nhiều bất cập như khám bệnh phải chờ lâu, thuốc không có trong danh mục BHYT phải mua bên ngoài nhiều. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng cần xem xét lại để người dân có niềm tin, từ đó mới tích cực vận động mua BHYT; nhiều cơ sở khám bệnh y tế tư nhân thanh toán nhiều khoản tiền trong danh mục BHYT chi trả…

Cử tri TP. Mỹ Tho phát biểu ý kiến.

Trả lời ý kiến, kiến nghị của các cử tri, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, về vấn đề tiêm ngừa, trước năm 2022 Chương trình tiêm chủng của quốc gia, sau đó giao về cho Bộ Y tế và giao về cho địa phương. Nhưng do nhiều bất cập trong kinh phí và đấu thầu tại các địa phương, nên trong năm 2022, Bộ Y tế thực hiện các thủ tục đấu thầu mua vắc xin nhập khẩu.

Hiện Bộ Y tế đã phân bổ cho Sở Y tế và Sở cũng đã cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang phân bổ về các đơn vị và đã có vắc xin tại các trạm y tế. Nhưng đối với việc thiếu thuốc cục bộ, khi  nào Bộ Y tế cung cấp về cho tỉnh thì tỉnh sẽ phân bổ về cho các địa phương để thực hiện tốt việc tiêm chủng cho trẻ em. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khó khăn ở Trung ương nên còn thiếu vắc xin dành cho trẻ em.

Đối với vấn đề thuốc không có trong danh mục BHYT phải mua bên ngoài nhiều, thực tế giá trị BHYT rất lớn, đối với những bệnh thông thường có thể mua thuốc được, nhưng khi bệnh nặng như các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim điều trị tốn rất nhiều tiền nếu không có BHYT chi trả; hoặc đối với bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi, thoái hóa khớp háng…, muốn thay khớp gối thì chi phí rất lớn.

Vì thế, việc vận động mua BHYT là hết sức cần thiết, nhu cầu của người dân ngày càng cao và đặc biệt là số lượng người cao tuổi và tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam, riêng TP. Mỹ Tho ngày càng tăng. Theo thống kê, tỷ lệ người cao tuổi ít nhất bị 5 loại bệnh, nên cần vận động mọi người mua BHYT.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương trả lời ý kiến cử tri

Đối với việc đi khám, chữa bệnh chờ lâu, đại biểu cho biết có nhiều nguyên nhân. Tại bệnh viện tỉnh có rất đông người đến khám bệnh, nên việc khám, chữa bệnh sẽ lâu. Hiện bệnh viện tỉnh đã rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, phát thuốc từ 14 bước xuống còn 6 bước. Hiện bệnh viện tỉnh đã cải tiến việc này và đã phân luồng riêng cho bệnh nặng, người lớn tuổi. Chất lượng khám, chữa bệnh không có phân biệt đối xử giữa những người bệnh, tùy theo bệnh nặng, nhẹ mà bác sĩ sẽ cho thuốc.

Về thuốc, đôi lúc có tình trạng thiếu thuốc cục bộ do đấu thầu, nên phân bổ về các đơn vị sẽ chậm và ngay thời điểm người dân đi khám bệnh sẽ bị thiếu thuốc và bác sĩ sẽ đề nghị ra ngoài mua. Đối với vấn đề này, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang sẽ có kiến nghị là mua thuốc thì sẽ thanh toán lại BHXH và sẽ đề xuất mở rộng danh mục thuốc để đảm bảo tại trạm y tế và trung tâm y tế và bệnh viện tỉnh gần giống nhau để tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

(Theo Báo Ấp Bắc)