Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lạc báo cáo tại buổi giám sát.
Thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn, những năm qua, huyện Bảo Lạc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Thường xuyên chỉ đạo kiện toàn Ban ATGT, chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm kết cấu hạ tầng, hành lang giao thông, rà soát xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn..., nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng chức năng được tăng cường. Chủ động đánh giá, xây dựng tổ chức lại TTATGT phù hợp với tình hình địa bàn.
Tuy nhiên, công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt, nhắc nhở răn đe chỉ có mức độ nhất định, do lực lượng chức năng có hạn, thiếu trang thiết bị, địa bàn rộng (mạng lưới giao thông trên 1.400 km), đặc biệt là đặc thù huyện vùng cao, đèo dốc, sương mù, tầm nhìn hạn chế…, cùng với đó, trình độ hiểu biết về pháp luật TTATGT người tham gia giao thông còn hạn chế; số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn còn cao.
Theo thống kê, từ năm 2009 - 2023, toàn huyện xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm 24 người chết, 61 người người bị thương; lực lượng chức năng xử lý 4.995 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 2.307 phương tiện, tước giấy phép lái xe 184 trường hợp, xử phạt số tiền trên 5,4 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát yêu cầu huyện cần đánh giá rõ, bổ sung số liệu cụ thể trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT. Cần làm rõ một số nội dung liên quan như: Công tác xử lý vi phạm, tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT; công tác tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông cũng như việc xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nhằm phát hiện, xử lý những bất cập về hệ thống về biển báo, vị trí điểm đen mất ATGT; Công tác quản lý hành lang ATGT, giải tỏa, ngăn chặn tình trạng trồng cây cối, dựng lều quán, biển quảng cáo, pa nô, băng rôn, dây điện lắp đặt trái phép, hạn chế tầm nhìn…
Huyện kiến nghị: Các bộ, ngành, UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ theo quy hoạch phát triển giao thông. Sớm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ATGT (hầm cứu nạn, biển báo, hộ lan, phản quang…) tại các đoạn đường đèo, dốc, sương mù tiềm ẩn các nguy cơ mất ATGT trên địa bàn huyện như: Đèo khau Cốc Chà (15 tầng), đèo Lũng Chầu trên Quốc lộ 4A, hệ thống cầu, hộ lan, cọc tiêu, biển báo, phản quang trên tỉnh lộ 215, tỉnh lộ 202; HĐND, UBND tỉnh xem xét nâng kinh phí hoạt động đảm bảo giao thông của huyện hiện còn thấp, khó khăn cho công tác giải tỏa và duy trì sau giải tỏa hành lang giao thông.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu kết luận buổi giám sát.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo đảm TTATGT đến đông đảo nhân dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT. Áp dụng công nghệ trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; nhanh chóng giải quyết những điểm đen giao thông còn tồn tại trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông; quan tâm cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đáp ứng các yêu cầu về ATGT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đảm bảo ATGT tại địa phương.
Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của địa phương để trình cấp có thẩm quyền và Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Trước đó, Đoàn công tác khảo sát thực địa tại đèo Khau Cốc Chà trên Quốc lộ 4A, xã Xuân Trường.