ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI SAU KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang đã báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục hành hóa dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định của Luật Giá và các luật chuyên ngành có liên quan.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, thời gian qua việc thực hiện công tác quản lý giá theo quy định của Luật Giá và các luật chuyên ngành có liên quan cơ bản thuận lợi trên các lĩnh vực, như: Thông tin - truyền thông, công thương, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, y tế...
Quang cảnh buổi làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý giá còn một số bất cập như: Quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo ngành hàng kinh doanh còn chưa đồng bộ giữa các tỉnh, thành lân cận dẫn đến mỗi tỉnh, thành thực hiện khác nhau. Bên cạnh đó, phương pháp xác định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Nhà nước định giá cũng còn vướng nhiều bất cập...
Các đại biểu còn cho rằng, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08 ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư 02 ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nên địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Các đại biểu đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành Trung ương ban hành tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý.
Đồng thời, Bộ Tài chính sớm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ do cơ quan, đơn vị có nhu cầu thẩm định giá theo khoản 17 điều 4 Luật Giá số 16/2023/QH15 và danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Hướng dẫn và có ví dụ cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, khắc phục tình trạng không thống nhất trong cách hiểu về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu giữa các cơ quan, địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm đánh giá cao các ý kiến thảo luận của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang. Đồng chí cho biết, buổi làm việc nhằm làm rõ kết quả thực hiện công tác quản lý giá của các ngành trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang ghi nhận các ý kiến kiến nghị của các sở, ngành tỉnh, nghiên cứu để chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của UBTVQH.
Theo thông tin từ Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, sáng nay (14/3) UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 31. Dự kiến Phiên họp sẽ diễn ra trong 3,5 ngày (từ ngày 14 đến ngày 19/3). Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến, xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, UBTVQH dự kiến sẽ dành một ngày (ngày 18/3) để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại UBTVQH đối với 2 nhóm vấn đề:
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính, tập trung vào các nội dung về: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng. Thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao tập trung các nội dung là công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới. Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao, kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao...