THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI): KHÔNG NÊN ĐỔI TÊN CÁC TÒA ÁN

09/11/2023

Chiều 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật này. Tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời đề nghị rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và báo cáo làm rõ các nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Cơ bản thống nhất với dự án Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến ghi nhận dự án Luật được xây dựng công phu, đảm bảo cơ sở chính trị, pháp lý, gắn với tình hình thực tiễn. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã được Quốc hội thông qua năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án nhân dân trong thời gian qua.

Tuy nhiên, sau 8 năm thi hành, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập một số quy định chưa đáp ứng các vấn đề phát sinh từ thực tiễn như: Yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp. Yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới. Cùng với đó là vấn đề chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử…Do đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tán thành việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Nêu rõ, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cho ý kiến có 09 chương, 154 Điều, trong đó bổ sung mới 54 Điều, sửa đổi 93 Điều, giữ nguyên 07 Điều. So với Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, dự thảo Luật này tuy giảm 02 chương nhưng tăng thêm 57 Điều, cho thấy dự án Luật có sự điều chỉnh và thay đổi khá lớn tổ chức, hoạt động của hệ thống Toà án nhân dân so với luật hiện hành. Dự án luật mang nhiều kỳ vọng rất lớn, thể hiện mong muốn thay đổi cơ bản, toàn diện về tổ chức hoạt động của hệ thống Toà án hiện tại. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhận thấy còn khá nhiều quy định chưa cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thể chế hơn.

Cơ bản thống nhất với các nội dung lớn sửa đổi của dự thảo Luật trong bối cảnh tình hình tội phạm tăng, số vụ án hành chính dân sự tăng cao, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, số vụ việc dân sự do Tòa án phải giải quyết tăng cao thể hiện sự tin tưởng của người dân vào hệ thống tòa án trong giải quyết tranh chấp, đòi hỏi tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử của hệ thống tòa án.

Cho biết Tờ trình dự án Luật nhấn mạnh các yêu cầu thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập trong xét xử - là yêu cầu tất yếu nhưng Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị cần có đánh giá việc thực thi các quy định của pháp luật, nội dung nào ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án để từ đó có sửa đổi phù hợp thì mới bảo đảm thuyết phục.

 Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh

 

Ngoài ra, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cũng cho biết một số nội dung trên thực tiễn triển khai nhưng dự thảo luật chưa quy định như nhiệm vụ xét xử lưu động. Do đó cần có các quy định về yêu cầu để tổ chức phiên tòa lưu động.

Không tán thành đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện

Liên quan đến việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, dự thảo Luật quy định theo hướng đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Toà án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị giữ tên gọi của các Tòa án này như Luật hiện hành đang quy định.

Cùng quan điểm, đại biểu Lã Thanh Tân cho biết mặc dù đổi tên nhưng nhiệm vụ, quyền hạn thì vẫn giữ nguyên. Do đó, đại biểu không đồng ý với quy định theo hướng này. Đại biểu làm rõ, các nội dung hiện tại đang phù hợp, tương thích với các luật về tố tụng hiện nay. Nếu thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tố tụng, dẫn đến việc bắt buộc phải có sự sửa đổi các luật liên quan như Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự... Trong điều kiện không thay đổi về mặt nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi xét xử của tòa án cấp tỉnh, cấp huyện thì nên giữ nguyên tên gọi như hiện nay. Mặt khác, việc đổi tên gọi như đề xuất của cơ quan soạn thảo cũng sẽ tác động đến các vấn đề liên quan đến công tác hành chính, trụ sở, tên gọi, các hệ thống điều hành hiện tại của tòa án các cấp...sẽ gây ra nhiều chi phí không cần thiết.

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

 

Bên cạnh đó, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nhất trí với việc dự thảo Luật bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án như giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử hay quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với các luật liên quan

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết lịch sử lập pháp trong lĩnh vực tư pháp thường có sự đồng bộ, song song giữa các luật như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân liên quan với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Hay như trong lĩnh vực hình sự các cơ quan tư pháp có sự phối hợp đồng bộ với nhau từ điều ra, khởi tố, xét xử, thi hành án. Hay sửa Luật Tố tụng hình sự thì cũng phải sửa Luật Tổ chức cơ quan điều tra và các tố tụng khác….Lần này mới đặt ra vấn đề sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cần tính đến tính đồng bộ tương thích với các luật liên quan để tăng tính thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu

Mặt khác trong nội dung dự thảo Luật cũng có những thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án như xét xử vi phạm hành chính hay không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa; bỏ chức năng thu thập chứng cứ…đều có liên quan đến các luật tố tụng và các cơ quan thực hiện quyền tư pháp khác. Do đó, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát làm rõ.

Nhận thấy tinh thần đổi mới trong sửa đổi Luật lần nay, song đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng cần phải đồng bộ, triệt để, cần quan tâm đến tính khả thi của các quy định, tính toán đến sự tương thích với các cơ quan thực hiện quyền tư pháp khác như Viện kiểm sát.

 

Dự án Luật nhấn mạnh tính độc lập xét xử của tòa là yêu cầu bắt buộc, cơ bản, tuy nhiên các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật lại chưa thể hiện rõ. Do đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần có chương, chi tiết cụ thể các yếu tố bảo đảm cho độc lập xét xử của tòa án. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu rõ, ủng hộ cải cách tư pháp nhưng nếu không có quy định cụ thể thì không thực hiện được nên cần phải rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong điều kiện của Việt Nam. 

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu điều hành thảo luận

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu

Đại biểu Vũ Thanh Chương - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác