THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CHO NGƯỜI DÂN
Tổ 3 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi.
Tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động đấu giá tài sản.
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, về tài sản đấu giá, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định về tài sản đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản là cần thiết, phù hợp với các pháp luật chuyên ngành. Điều này giúp đảm bảo sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại Điều 4 về tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An quan tâm đến về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của khoản 2 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản, quy định về quy chế bán đấu giá tài sản. Theo đó, các tài sản có yếu tố đặc thù như tài sản thi hành án dân sự được quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự về bán tài sản đã kê biên. Khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định, trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đại biểu cho rằng, nội dung này cần được quy định ngay khi ban hành quy chế cuộc đấu giá để các chủ thể có liên quan được biết, thực hiện, qua đó có sự thống nhất áp dụng. Đại biểu đề nghị bổ sung tại khoản 8 Điều 1 của dự thảo luật, theo đó bổ sung thêm điểm k ở khoản 2 Điều 34 với nội dung có tính chất mở như sau: Các nội dung khác liên quan tới tài sản bán đấu giá có tính đặc thù do pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp
Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho biết, khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 37 quy định về địa điểm tổ chức cuộc đấu giá phức tạp, có thể tạo cách hiểu không thống nhất. Ngoài ra, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đấu giá tài sản không nêu hạn chế, bất cập về địa điểm tổ chức cuộc đấu giá. Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc giữ như quy định của Luật hiện hành, đồng thời cần cân nhắc quy định tại khoản 2 về thời gian thông báo thay đổi địa điểm trước ngày mở cuộc đấu giá chỉ có 01 ngày làm việc; quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho người tham gia đấu giá, nhất là đối với những trường hợp ở cách xa địa điểm đấu giá.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tại khoản 11, Điều 11 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Điều 73, khoản 2 có quy định: trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo quy chế cuộc đấu giá, mà thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thỏa thuận thống nhất với người có tài sản bằng văn bản và thông báo cho tất cả người đủ điều kiện tham gia đấu giá về việc thay đổi địa điểm tổ chức đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về thời gian này, vì dù thỏa thuận ra sao cũng cần có thời gian, quy định như vậy gây khó khăn cho những người tham gia đấu giá ở xa.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, các quy định trong dự thảo có đề cập đến Cổng dịch vụ đấu giá tài sản quốc gia, nội dung này cần cân nhắc kỹ. Trong dự thảo cũ, việc công bố các thông tin, nội dung liên quan đến đấu giá tài sản được thực hiện trên Cổng Thông tin điện tử của các Sở Tư pháp. Việc xây dựng Cổng Thông tin đấu giá quốc gia cần được đánh giá kỹ, bởi đấu giá tài sản liên quan đến nhiều cơ sở dữ liệu khác như cơ sở dữ liệu về công chứng, đất đai, đăng ký tài sản. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi dự thảo luật để có những quy định cụ thể hơn, đảm bảo việc xây dựng cơ sở dữ liệu không bị ảnh hưởng hay bị lãng phí.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Hiện tại, dự thảo luật chưa quy định rõ về thời điểm có hiệu lực, tuy nhiên, nội dung dự thảo luật có liên quan trực tiếp đến các văn bản luật đang xem xét thông qua, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đại biểu đề xuất nên để dự thảo luật này có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai để đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần quy định rõ cơ sở xác định trường hợp được áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức bỏ phiếu gián tiếp hoặc có thể kết hợp hình thức đấu giá trực tiếp với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; trường hợp kết hợp cả hai hình thức đấu giá thì phải bổ sung quy định về trình tự, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.
Thêm vào đó, các đại biểu nêu rõ, cần làm rõ quy định về “nộp tiền đặt trước” tại khoản 1 Điều 39 để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự vì Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản), không có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “nộp tiền đặt trước”.
Một số đại biểu cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá, trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An quan tâm đến về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của khoản 2 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản, quy định về quy chế bán đấu giá tài sản
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định về thông báo thay đổi địa điểm tổ chức đấu giá để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định công bố thông tin đấu giá trên Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia.
Các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp./.