ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH TIẾP XÚC CỬ TRI, LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

28/09/2023

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 15, sáng 28/9, tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với sự tham gia của gần 300 cử tri.

LÀM RÕ NHỮNG NỘI DUNG TRỌNG TÂM LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HIỂM XÃ HỘI

BỔ SUNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI: CẦN NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI LUẬT NGƯỜI CAO TUỔI

Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề.

Góp ý về điều kiện hưởng lương hưu trong dự thảo Luật, đại diện cử tri của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo cần sửa đổi theo hướng: Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương đóng để đảm bảo tiền lương đóng phải tiệm cận dần với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động, từ đó góp phần cải thiện mức lương hưu, thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc; thực hiện sửa đổi công thức tính lương hưu bên cạnh nguyên tắc đóng- hưởng cần có tính chia sẻ.

Cử tri cũng đề nghị Quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1 là đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 01/7/2025, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Cử tri tỉnh Bắc Ninh góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Nhóm 2 là đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành). Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ NSNN và huy động các nguồn lực xã hội khác,…). Qua đó, góp phần tăng thêm cơ hội cho những người lao động sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.

Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng phát huy chức năng, vai trò của một công cụ quản trị thị trường lao động trong việc tạo việc làm, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng sa thải lao động, mất việc làm ở người lao động; hỗ trợ người lao động mất việc sớm tìm kiếm được việc làm mới, có nguồn thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt trong thời gian mất việc.

Đối với quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, tại Điều 75 của dự thảo luật, tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri tán thành với phương án 2: Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Đối với trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng BHXH, thì mỗi năm đóng sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Về quy định trợ cấp BHXH một lần theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, đa số ý kiến đề xuất bỏ Phương án 1; đồng thời sửa đổi Phương án 2 theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng, vì người lao động chỉ hưởng tối đa trên 1/2 tổng thời gian đóng BHXH, nên vẫn trong diện bao phủ BHXH và khi về già vẫn có khoản trợ cấp để trang trải cuộc sống. Sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động thực sự cần tiền để phục vụ nhu cầu cấp bách nên cần được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng phải tìm đến “tín dụng đen” gây mất trật tự an toàn xã hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân thông tin tới cử tri về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần xin ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri. Đoàn sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của cử tri để tổng hợp đóng góp vào quá trình cho ý kiến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, đảm bảo việc xây dựng luật sát với thực tiễn, có tính khả thi cao./.

Dương Dung