ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG LẤY Ý KIẾN GÓP Ý HOÀN THIỆN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

25/09/2023

Sáng 25/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: HOẠT ĐỘNG NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ HƠN

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại Hội nghị. 

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều, quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đóng góp cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu thống nhất tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nhưng cần mở rộng cách làm và linh hoạt phương thức thực hiện; thống nhất quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia dự án nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn.

Các đại biểu đề xuất không quy định loại hình nhà ở xã hội, giao cho địa phương chủ động xem xét; chọn phương án bổ sung khoản 2 và khoản 3, Điều 81 vì quy định thể hiện tính linh hoạt, chi tiết, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Góp ý cho dự thảo Luật, các đại biểu đề xuất bổ sung cụm từ “thủy sản” vào điểm d, khoản 1, Điều 58 do thực tế tại tỉnh, nông dân đã sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi thủy sản, có thể tận dụng nguồn nước này để phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng khác. Tại khoản 1, Điều 28, bổ sung cụm từ “thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản” và cụm từ “nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” để đảm bảo phù hợp thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, đúng quy định.

Các đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định xem xét trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước làm suy giảm chức năng nguồn nước, gây sụt, lún đất, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi tới Quốc hội và sẽ trình bày ý kiến tại các cuộc thảo luận tổ hoặc trên nghị trường. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn các đại biểu tiếp tục có những ý kiến đóng góp thiết thực, góp phần đưa các dự án luật phù hợp thực tế, đi vào cuộc sống.

(Theo Báo điện tử Hậu Giang)