ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH LẤY Ý KIẾN VỀ CÁC DỰ THẢO LUẬT

18/08/2023

Chiều 17/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH LẤY Ý KIẾN VỀ CÁC DỰ THẢO LUẬT TRÌNH TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Chủ trì và điều hành hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã giới thiệu khái quát về nội dung và tầm quan trọng của dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), hai dự án luật này có phạm vi tác động ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của đại đa số người dân… Các quy định của pháp luật về nhà ở hay bất động sản (BĐS), về xây dựng hay kinh doanh lần này đều được tiếp cận và quy định trên cơ sở quyền con người-về sở hữu, về tài sản, về nhà ở, về đất đai, về tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm, được kỳ vọng tạo nên động lực mới cho thị trường BĐS; đồng thời, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Các ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành hội nghị.

Tại kỳ họp thứ 5, các ĐBQH đã tham gia thảo luận đối với các dự thảo luật này, trên cơ sở dự thảo vừa được Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã gợi ý các nội dung cần thảo luận.

Theo đó, đối với dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) là các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (khoản 6, Điều 24); về thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 26); về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 27); về điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS (Điều 40); về sàn giao dịch BĐS (Mục 2, Chương VII); về hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (Chương VIII); về điều tiết thị trường BĐS (Mục 1, Chương IX)

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến.

Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các nội dung cần tập trung làm rõ gồm: Tính thống nhất và đồng bộ giữa các các điều luật trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với một số luật, dự luật có mối liên hệ mật thiết và tác động lẫn nhau như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan; đánh giá tính khả thi, hiệu quả của quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); các quy định liên quan đến nhà ở xã hội liệu đã mang tính khả thi và khắc phục được những hạn chế của luật hiện hành; sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả của các quy định chuyển tiếp trong dự thảo luật; vai trò của công cụ chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh…

Đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị đã phân tích, thảo luận sâu về hai dự thảo luật. Các ý kiến khẳng định tầm quan trọng và sự phù hợp, cần thiết của các dự thảo luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, đại biểu đã chỉ ra những nội dung chưa phù hợp với các luật liên quan, đề xuất phương án sửa đổi và đề nghị, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cơ quan soạn thảo dự thảo các dự án luật nghiên cứu, cân nhắc, bổ sung, hoàn thiện các nội dung đã được góp ý.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định đây là những dự thảo luật có độ khó, tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu, xem xét, lựa chọn, làm cơ sở để có các ý kiến phản ánh tại diễn đàn Quốc hội. Các ý kiến sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện hoạt động lập pháp, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi, phù hợp với thực tiễn phát triển và có sức sống bền lâu. Cùng với việc góp ý, thảo luận tại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trong thời gian tới để chung tay thực hiện tốt quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hợp hiến, hợp pháp.

(Theo Báo điện tử Quảng Bình)