THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: NÊN ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN TRONG LĨNH VỰC THỂ THAO, VĂN HÓA

30/05/2023

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tán thành cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, song các đại biểu nhấn mạnh cần áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN GIẢI QUYẾT KỊP THỜI VẤN ĐỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM, GIẢM THU NHẬP

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận.

Thảo luận tại phiên họp tổ, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời chỉ rõ các cơ chế đặc thù được ban hành đi đôi với việc tăng cường phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm; song cũng rất cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung. Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm.

Các đại biểu cũng nêu rõ với 07 nhóm chính sách đặc thù, đây sẽ là tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới của thành phố. Tuy nhiên phải đặc biệt chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 31.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại phiên họp

Một số ý kiến cũng cho rằng, liên quan đến ngân sách, đề nghị cần nghiên cứu, rà soát để có chính sách thu hợp lý, khả thi, bảo đảm góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần phối hợp với chính quyền thành phố rà soát để bảo đảm tính bao quát cần thiết. Đặc biệt là đảm bảo thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giải quyết được các dự án chậm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ do vướng về cơ chế, chính sách, pháp luật gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn…

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về chính sách cụ thể, dự thảo Nghị quyết đề ra chính sách về quản lý đầu tư với nhiều nội dung mới về việc đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, đặc biệt là cho phép đầu tư theo phương thức đối tác công – tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa. Tuy vậy, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thì có nêu một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc không thực hiện phương thức đối tác công – tư đối với các di tích, di sản văn hóa.

Đại biểu cho rằng nên quy định như dự thảo nghị quyết, cụ thể là các công trình trong lĩnh vực văn hóa nói chung đều có thể sử dụng phương thức đối tác công – tư, không nên loại trừ các di tích, di sản văn hóa. Theo đại biểu, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phải được kết hợp hài hòa với việc huy động kinh phí nhiều nguồn để phát huy, duy tu, sửa chữa di sản, di tích. Việc bảo tồn, duy tu, sửa chữa các công trình này đã được quy định chặt chẽ trong Luật Di sản văn hóa, việc chuyển mục đích sử dụng đất đai đối với đất có di tích cũng được quy định rõ trong Luật Đất đai hiện hành cũng như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp

Đại biểu cho rằng quy định áp dụng phương thức đối tác công tư đối với công trình này cũng là ý kiến chủ đạo của Hội thảo Văn hóa 2022, đồng thời phù hợp với Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua giám sát thực tiễn tại Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu cho biết một tình trạng phổ biến đang xảy ra là thiếu trường học, thiếu phòng học, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập theo chương trình mới. Việc cải tạo, sửa chữa, đầu tư, mở rộng các chương trình hiện có còn gặp nhiều khó khăn, do có một số quy định về tiêu chuẩn, quy mô, phòng cháy chữa cháy còn gây vướng mắc. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách cho phép HĐND Tp.Hồ Chí Minh xem xét, quyết định số tầng tối đa của các công trình trường học trên địa bàn thành phố dựa trên điều kiện thực tế để đảm bảo yêu cầu học tập cho các em học sinh.

Bên cạnh đó, liên quan đến ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố, có ý kiến đại biểu cho rằng, đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình; lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút rộng; điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp, dự án tại thành phố là rất lớn, dẫn đến việc áp dụng ưu đãi có thể tác động đến NSNN. Mặt khác, thành phố có đặc thù riêng, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, do đó, việc giảm thu từ thành phố khác với giảm thu từ tỉnh Khánh Hòa (đang được áp dụng mức ưu đãi tương tự). Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động thận trọng, đặc biệt tác động đối với NSNN.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, kinh tế Tp.Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, nên việc bổ sung thêm cơ chế đặc thù để phát triển thành phố là rất cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Đại biểu bày tỏ tán thành cao với việc thí điểm cơ chế tài chính, thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ được quy định tại khoản 10 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế này để áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, đến năm 2025 mới thành lập, vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ cacbon. Đại biểu đề nghị thành phố cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thiết lập được trình tự, thủ tục chính sách một cách thận trọng, lựa chọn những nội dung khả thi để đưa vào thực hiện.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 5 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định: Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án. Đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ nội dung này, bởi nếu xét theo mục tiêu và bản chất các dự án PPP thì quy định tại điểm này chưa phù hợp. Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn quy định này.

Về chính sách tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, các đại biểu tán thành với việc Dự thảo Nghị quyết quy định HĐND Thành phố quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Quy định này cũng nhằm thực hiện định hướng tại Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị chú trọng làm tốt công tác về quản lý đô thị và môi trường, không làm ảnh hưởng lớn đến người dân. Cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm chặt chẽ, tránh xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân và uy tín của các cấp chính quyền. Đồng thời rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, tránh tình trạng diện tích ngày càng thu hẹp khi cho phép nhiều địa phương áp dụng chính sách chuyển đổi này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông điều hành nội dung thảo luận

Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thiết lập được trình tự, thủ tục chính sách

Có ý kiến đề nghị chú trọng những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế của Tp.Hồ Chí Minh

Các đại biểu đề nghị chú trọng làm tốt công tác về quản lý đô thị và môi trường, không làm ảnh hưởng lớn đến người dân./.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Các bài viết khác