TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH ĐỊNH TIẾP XÚC CỬ TRI XÃ VĨNH HẢO VÀ CÁC XÃ PHÍA NAM HUYỆN TÂY SƠN
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định; các ĐBQH thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.
Về phía tỉnh Bình Định có bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định.
Cần nhiều giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Tại cuộc tiếp xúc, thay mặt các ĐBQH tỉnh Bình Định, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba đã thông tin đến các cử tri Bình Định về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Ông Đồng Ngọc Ba cho biết, Kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào ngày 23/5/2023 và chia làm 2 đợt. "Đây là một trong những đổi mới của Quốc hội nhằm có thời gian xem xét kỹ lưỡng nhiều vấn đề quan trọng của Đất nước, nhất là trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật", ông Đồng Ngọc Ba bày tỏ.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; cho ý kiến 8 luật. Đây là kỳ họp có khối lượng xây dựng văn bản pháp luật rất lớn, trong đó có nhiều luật lớn, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Các tổ chức tín dụng…
Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng, như: các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022… Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Cử tri nêu ý kiến đề xuất với đoàn công tác. Ảnh: Hoàng Tuấn
Báo cáo tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, bà Hồ Thị Kim Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định cho biết, cử tri và nhân dân Bình Định đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành xuyên suốt, kịp thời của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã góp phần đưa Đất nước ta vượt qua khó khăn, trở thành điểm sáng của khu vực.
Tuy nhiên, cử tri Bình Định cho rằng, sự phục hồi kinh tế còn chậm; giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng... Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp ứng phó hiệu quả hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Vấn đề chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn tồn tại
Tại hội nghị, có ý kiến cho rằng, vấn đề chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, chưa được giải quyết triệt để. Cử tri cũng nêu dẫn chứng một dự án vay vốn nước ngoài tại địa phương vẫn “dậm chân tại chỗ” 3 năm nay do vướng nhiều quy định. Liên quan đến vấn đề này, kiến nghị gửi đến đoàn ĐBQH của cử tri Bình Đình cũng nêu rõ: Luật Đầu tư công năm 2019 còn bất cập, do đó cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cụ thể, cử tri đề xuất giao Thường trực HĐND quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương quy định tại khoản 7 Điều 67; cũng như việc kéo dài vốn ngân sách cấp nào thì giao cho HĐND cùng cấp quyết định, để linh động trong điều hành kế hoạch vốn.
Bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định thay mặt đoàn công tác tiếp thu ý kiến của cử tri Bình Định. Ảnh: Hoàng Tuấn
Hiện nay, tình trạng nước biển xâm thực, gây sạt lở bờ biển đang ngày càng tăng, nhất là khu vực ven biển miền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Cử tri và nhân dân Bình Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần có giải pháp cấp thiết, nghiên cứu áp dụng các mô hình thông minh, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống xâm thực, xói lở, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, đảm bảo an toàn bền vững.
Riêng tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện còn 5.002 hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ thuộc các đối tượng là người dân tộc thiểu số, cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, nhà ở có nguy cơ sụp đổ, không an toàn cần được hỗ trợ về nhà ở (gồm 2.819 trường hợp cần xây mới và 2.183 trường hợp cần sửa chữa, cải tạo về nhà ở). Do đó, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn tiếp theo…
Toàn cảnh buổi tiếp xúc. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, thay mặt đoàn ĐBQH Tỉnh đã tiếp thu các ý kiến của cử tri và cho biết, với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, sẽ tổng hợp báo cáo để gửi kiến nghị đến các cấp.