ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN
Các đại biểu: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương; Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh, chủ trì buổi tiếp xúc.
Các ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri công nhân lao động tại quận 7. Ảnh: Việt Dũng
Cần mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Thị Hồng Phượng, làm việc tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, trăn trở, đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú công nhân quy định cho công nhân, người lao động (NLĐ) làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghệp. Tuy nhiên, không chỉ người làm việc trong khu công nghiệp mới có nhu cầu về nhà ở xã hội mà còn rất nhiều công nhân lao động đang làm việc bên ngoài rất quan tâm và mong muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở. “Tôi chưa hiểu vì sao lại có sự phân biệt này”, cử tri Phượng băn khoăn.
Cử tri Trần Thị Hồng Phượng, làm việc tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Việt Dũng
Đề cập đến nhà lưu trú công nhân, cử tri Nguyễn Tấn Thuận, công nhân Công ty TNHH MiTek Việt Nam, cũng cho rằng không chỉ NLĐ trong khu chế xuất mong muốn được hưởng chế độ nhà lưu trú mà cả công nhân ở ngoài cũng mong. Ngoài ra, việc xác định giá cho thuê nhà lưu trú công nhân quy định tại Điều 97 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung, quy định giá cho thuê nhà lưu trú công nhân phải phù hợp với mức sống và thu nhập của NLĐ, giá thuê phải thấp hơn so với mặt bằng chung thuê nhà ở bên ngoài. Do đó, cử tri cho rằng không nên giao cho nhà đầu tư tự xác định giá mà phải có sự can thiệp, hỗ trợ của nhà nước. Như vậy mới thu hút NLĐ ở nhà lưu trú.
Cử tri Nguyễn Tấn Thuận, công nhân Công ty TNHH MiTek Việt Nam, trình bày ý kiến. Ảnh: Việt Dũng
Cử tri Phạm Thị Mai Thảo, công nhân Công ty Mỹ Châu, băn khoăn, nhà nước đã ban hành gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội, song công nhân rất khó tiếp cận với nguồn vay trên.
Ngoài ra, nhiều cử tri công nhân nêu ý kiến về giá cả thị trường tăng. Theo các cử tri, lương công nhân có khung quy định nhưng giá thị trường thì không. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm và giá nhà trọ tăng giá theo giá xăng nhưng lại không giảm khi giá xăng giảm. Cử tri kiến nghị nhà nước có biện pháp quy định tối đa mức giá nhà trọ. Đồng thời lập nhiều kênh để bình ổn giá, kiểm soát giá của những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho NLĐ.
Một số cử tri còn kiến nghị, ngoài xử lý các doanh nghiệp vi phạm trốn đóng BHXH cho NLĐ thì dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung cần bổ sung quy định người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc không tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Trong quá trình tham gia BHXH, người không hưởng trợ cấp thất nghiệp trong suốt quá trình công tác thì khi về hưu phải được truy lãnh hoặc thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN Tp. Hồ Chí Minh, trình bày nhiều ý kiến gửi gắm của NLĐ. Ảnh: Việt Dũng
Tại buổi tiếp xúc, bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN Tp. Hồ Chí Minh, cũng thay mặt công nhân nêu nhiều ý kiến. Cụ thể, bà Vân cho biết công nhân rất phấn khởi khi Trung ương ban hành gói vay 120.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội nhưng hiện nay NLĐ tiếp cận rất khó.
Theo bà Vân, chủ trương rất hay nhưng làm sao phải đến được công nhân. 4 ngân hàng cho vay theo chương trình này không có chương trình triển khai cho tổ chức công đoàn để triển khai cho NLĐ. Khi hỏi lại, các ngân hàng bảo công nhân phải trực tiếp ra để được hướng dẫn. Đặc thù của công nhân là làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, xin được nghỉ một ngày để ra ngân hàng rất khó, bị trừ đủ thứ. Hơn nữa, nếu xin nghỉ được cũng chưa hẳn đã hỏi được thông tin bởi trình độ của công nhân cũng khác nhau. Do đó, bà Vân mong muốn các ngân hàng nhanh chóng có chương trình cụ thể triển khai đến các công đoàn để triển khai cho công nhân hiểu và tiếp cận gói hỗ trợ nếu đủ điều kiện.
Ngoài ra, bà Vân cũng cho rằng điều kiện mua nhà là NLĐ phải trả trước 50% thì mới có thể vay 50% còn lại. Đây cũng là điều khó cho công nhân, trong khi lãi suất là 8,2%/năm cũng không phải thấp. Nên chăng có giải pháp cụ thể về nhà lưu trú, nhà trọ để mọi NLĐ đều được hưởng?
Nhiều chính sách hỗ trợ công nhân
Trao đổi lại với cử tri công nhân, đại biểu Phan Văn Mãi cảm ơn doanh nghiệp và NLĐ đã nỗ lực đồng hành cùng thành phố vượt qua khó khăn.
Theo đồng chí, Tp. Hồ Chí Minh đang có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để đồng hành cùng doanh nghiệp và NLĐ. Trong đó, thành phố đã và tiếp tục hỗ trợ bằng tiền mặt và quà đối với nhóm NLĐ bị ảnh hưởng nhiều; đồng thời yêu cầu ngành lao động thành phố cùng với các đơn vị liên quan đề xuất chương trình hỗ trợ rộng hơn; hỗ trợ con em NLĐ về học phí, bảo hiểm, các chi phí liên quan.
Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tặng quà cho công nhân. Ảnh: Việt Dũng
Về hỗ trợ tiền thuê nhà, đại biểu Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang xử lý nhưng còn cục bộ. Từ ý kiến của cử tri, thành phố sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ tiền nhà cho công nhân, nhất là công nhân bị ngừng việc, giảm thu nhập.
Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình bình ổn giá, ngoài phiên chợ công nhân với các mặt hàng bình ổn giá, thành phố cũng sẽ đưa giá nhà trọ vào chương trình này. “Vừa rồi, thành phố đã đưa giá dịch vụ vận tải hành khách vào dịch vụ bình ổn giá, sắp tới sẽ đưa giá nhà trọ để NLĐ an tâm sinh sống và làm việc”, đại biểu Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về nhà ở xã hội, Chính phủ giao cho Tp. Hồ Chí Minh 69.000 căn nhưng chương trình phát triển nhà ở của thành phố trước đó đã đề ra là 83.000 căn. Khi Chính phủ giao, Tp. Hồ Chí Minh vẫn giữ chỉ tiêu cao hơn mức của Chính phủ giao. Về nội dung này, thành phố sẽ chú ý lại về đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội.
Thành phố cũng đang tập trung và sẽ có chính sách về đất đai, tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân; có chính sách hỗ trợ nhà trọ về môi trường sống và giá cả. Trong đó, thành phố sẽ rà soát lại các quỹ đất, tính toán quy hoạch làm sao ở gần khu gần khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp – nơi có đông công nhân để phát triển nhà lưu trú với nhiều thể loại nhà ở như nhà tiền chế để chủ động di dời nếu cần”, đại biểu Phan Văn Mãi chia sẻ.
Đại biểu Phan Văn Mãi trò chuyện cùng cử tri công nhân. Ảnh: Việt Dũng
Về các gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội, đại biểu Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố và đã yêu cầu công khai về điều kiện, quy trình tiếp cận để NLĐ biết nhưng còn vướng một số thủ tục. Đại biểu thông tin, hiện các ngân hàng cũng đã có cam kết sớm có thông báo cho NLĐ; đồng thời nghiên cứu chính sách thấu chi cho công nhân để giải quyết các khoản chi khẩn cấp, đẩy lùi tín dụng đen…
Dịp này, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh và Liên đoàn lao động Tp. Hồ Chí Minh tặng nhiều phần quà cho công nhân, người lao động tại quận 7.