ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2021
Toàn cảnh hội nghị
Dự Hội nghị tại điểm cầu ở tỉnh có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu I; Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện chỉ huy một số cơ quan của Bộ Quốc phòng, Quân khu 1, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã báo cáo nhanh với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 22/5/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 22 ngày và được chia thành 2 đợt: Đợt 1, từ ngày 22-5 đến ngày 10-6-2023; đợt 2, từ ngày 19-6 đến ngày 23-6-2023. Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, Quốc hội còn xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 và xem xét, đánh giá, phê chuẩn nhiều nội dung quan trọng khác…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cử tri đề nghị xem xét không quy định về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; chỉ quy định căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Cử tri phát biểu ý kiến
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, khoản 3, Điều 109 của Dự thảo Luật quy định: trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước. Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước không giữ số tiền bồi thường không có thời hạn. Do đó, cử tri đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý tiền gửi trong trường hợp người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường.
Đối với các nội dung tài chính về đất đai, giá đất, cử tri đề nghị: quy định rõ, đối với đất sử dụng hỗn hợp (sử dụng vào hai mục đích trở lên mà không thể phân định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích trên thực địa) thì giá đất và tiền sử dụng đất được xác định như thế nào; làm rõ phương pháp, căn cứ xác định giá đất khi chưa có quyết định giao đất; trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thì giá đất được xác định tại thời điểm nào; làm rõ thế nào là “các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất„ để tránh việc tùy tiện khi áp dụng. Cử tri cũng đề nghị, cần quy định việc điều chỉnh giá đất đấu giá đối với trường hợp đấu giá không thành, đặc biệt là việc xác định giá đất tái định cư, giá giao đất có thu tiền đối với trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện tái định cư nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Tại hội nghị, các cử tri cũng đề nghị nhiều nội dung khác như: Quy định thời gian chậm tiến độ của dự án tỷ lệ phần trăm thời gian so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; quy định rõ nội dung “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”; bổ sung quy định cụ thể về “dự án đô thị”, bổ sung thêm quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp người dân, chủ đầu tư tự nguyện trả lại đất khi không còn nhu cầu sử dụng cho phù hợp với thực tế.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, việc đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nội dung hết sức phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của mỗi con người. Đồng chí cho biết, dự thảo luật này có rất nhiều nội dung, vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là về việc xây dựng các trận địa, công trình phòng thủ… Chính vì vậy, thời gian qua, Quân đội cũng tham gia rất tích cực để đóng góp vào dự thảo luật.
Đại tướng Phan Văn Giang cũng thông tin thêm, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chủ trì với các cơ quan, ban, ngành để xây dựng, trình Quốc hội thông qua một số dự thảo luật, trong đó, hầu hết các luật này đều liên quan đến Luật Đất đai.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng quà cho Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên và Hội Cựu chiến binh các huyện, thành phố
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cử tri tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải ghi nhận sự quan tâm, theo dõi, nghiên cứu chi tiết của các cử tri đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để có ý kiến phát biểu tại hội nghị. Đồng chí đánh giá, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều là những nội dung chính đáng, thực tiễn; Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp để mang tiếng nói của các cử tri tỉnh Thái Nguyên đến với Quốc hội, qua đó góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí nhấn mạnh, sự quan tâm, động viên, chia sẻ của cử tri đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên là động lực, điểm tựa chính trị vững chắc của các ĐBQH trong quá trình hoạt động để hoàn thành tốt nhiệm vụ cử tri và Nhân dân giao phó./.