PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ THỊ ÁNH XUÂN TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI AN GIANG
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Tại hội nghị, cử tri các xã Vĩnh Nhuận, Tân Phú và thị trấn Vĩnh Bình của huyện Châu Thành đã đặt ra nhiều vấn đề khác nhau như: Tình trạng biến đổi khí hậu gây sạt lở đất bờ sông, bờ biển; quy hoạch giao thông thiếu đồng bộ; bảo hiểm y tế học sinh; đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; phòng, chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu; an toàn thực phẩm; quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nhất là doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với các ngân hàng…
Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản một cách căn cơ và lâu dài để nông dân có thể làm giàu từ chính đồng ruộng của mình. Nhiều ý kiến đề cập tới một số bất cập trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, vấn đề sách giáo khoa, đầu ra của mặt hàng nông sản còn bấp bênh, thiếu bền vững; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay; tình hình tội phạm, nạn trộm, cướp ngày càng manh động, liều lĩnh ở khu nhà trọ công nhân…
Cử tri Đinh Văn Bé (xã Tân Phú) đề nghị cho học sinh được chủ động lựa chọn các loại hình khi tham gia bảo hiểm y tế, có thể tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hoặc bảo hiểm học sinh, sinh viên để các em được hưởng chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế…
Cùng với đó, giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, trong khi giá lúa và các loại nông sản lại bấp bênh, thiếu đầu ra, cử tri Đinh Văn Bé kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp bình ổn giá phân bón, vật tư nông nghiệp, tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản một cách ổn định, đảm bảo nông dân có lãi.
Đồng tình với các ý kiến trên, cử tri Nguyễn Văn Tùng (thị trấn Vĩnh Bình) cho rằng, chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng “liên kiết”, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp hiện nay còn khá lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc nên chưa phát huy được tính hiệu quả của mô hình liên kết, nông dân chưa được hưởng lợi nhiều từ các mô hình liên kết hiện nay.
Bên cạnh đó, việc đổi mới giáo dục bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định, chất lượng giáo dục phổ thông được cải thiện theo hướng giảm áp lực thành tích. Tuy nhiên, đối với giáo dục phổ thông, dù có bước chuyển mạnh mẽ về chất và lượng nhưng vẫn phát triển không đồng đều…
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành, An Giang.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro… nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kinh tế-xã hội nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng kể. Kinh tế vĩ mô trong quý I năm 2023 tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản thực hiện tốt mục tiêu trọng tâm đã được Đảng, Quốc hội thông qua.
Theo Phó Chủ tịch nước, những vấn đề cử tri nêu như biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông, đầu ra cho nông sản, vấn đề ở lĩnh vực y tế, giáo dục… cũng là điều trăn trở của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giám sát trong thời gian tới. Đồng thời, Đoàn ghi nhận những kiến nghị của cử tri và trên từng góc độ công việc sẽ có kiến nghị ở từng diễn đàn phù hợp.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao đổi với bà con cử tri huyện Châu Thành, An Giang.
Với lợi thế là một tỉnh có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn, lãnh đạo tỉnh, huyện Châu Thành nắm bắt thời cơ, tận dụng thế mạnh sẵn có để phát triển lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo nhanh, hiệu quả và bền vững, tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn để nông dân có thể giàu lên từ chính hạt lúa do mình làm ra.
An Giang cần tranh thủ các nguồn lực để phát triển địa phương; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề phát triển kinh tế, thu hút đầu tư; bảo đảm đời sống, việc làm cho nhân dân.