Toàn cảnh buổi làm việc
Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên và đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đồng chủ trì Hội nghị giám sát.
Tham dự Hội nghị có các vị ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đang công tác tại địa phương; đồng chí Mai Thị Thuý Nga, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lê Văn Tâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh; Trưởng các Ban HĐND tỉnh; đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND huyện, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế nông thôn tăng trưởng và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh; các hợp tác xã trên địa bàn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, liên kiết hộ nông dân với hộ nông dân, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, là tác nhân liên kiết trong chuỗi giá trị; các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn được hoàn thiện, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Đến hết năm 2022, huyện Đại Từ có 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 02 xã đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, 01 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện Đại Từ phấn đấu thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và lập hồ sơ trình thẩm định, xét, công nhận đạt huyện nông thôn mới trong tháng 6/2023.
Đại diện UBND huyện Đại Từ báo cáo tại hội nghị
Tính đến cuối năm 2022, cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đều đảm bảo tiến độ đã đề ra: tỷ lệ hộ nghèo còn 5,71%, giảm 2,13% so với kết quả rà soát hộ nghèo đầu năm 2022; dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ thực hiện hỗ trợ 02 mô hình giảm nghèo, đạt 66,67% kế hoạch cả giai đoạn. Các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện tại 23 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các CTMTQG tại Đại Từ, còn có một số khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG chưa được ban hành đồng bộ, kịp thời; ngân sách trung ương phân bổ còn chậm và mức kinh phí phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ; nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm sẽ dẫn đến nguồn kinh phí được phân bổ cho huyện không theo đúng nhu cầu sử dụng cho các đối tượng được hưởng chương trình; huyện Đại Từ là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu hưởng trợ cấp từ ngân sách tỉnh nên việc phát huy nội lực còn hạn chế; yêu cầu của Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao theo từng giai đoạn, trong khi nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ thực hiện Chương trình còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, các thành viên Đoàn giám sát cũng đã đề nghị UBND huyện trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung như: Số lượng, tiến độ phân bổ vốn và giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình; việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các thôn đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT năm 2021 của Uỷ ban Dân tộc) có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn huyện; các nội dung, giải pháp cụ thể cần thực hiện để hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2023 và mục tiêu đạt 21 xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025; đánh giá việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia so với giai đoạn trước; hiệu quả thực hiện chương trình OCOP, mô hình phát triển sản xuất, việc thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn…
Báo cáo, làm rõ thêm về những nội dung Đoàn Giám sát quan tâm, lãnh đạo UBND huyện Đại Từ cho biết, chương trình hỗ trợ xi măng được sử dụng chủ yếu để xây dựng đường giao thông và hệ thống kênh mương, nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân; đối với các xã về đích nông thôn mới, người dân không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên, đây cũng là động lực để thúc đẩy các địa phương tự lực để phát triển… Đại diện UBND huyện cũng đánh giá, các Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều điểm mới so với giai đoạn trước, nâng tầm chất lượng đối với từng mục tiêu.
Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao tính chủ động, nghiêm túc của UBND huyện, các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí Đoàn Thị Hảo đề nghị UBND huyện Đại Từ cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc; trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và lồng ghép để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp, các ngành; có giải pháp phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình; đảm bảo minh bạch trong việc sử dụng nguồn ngân sách, tránh lãng phí. Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm, ứng trước cho huyện Đại Từ khối lượng xi măng cần thiết để thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2023./.