Đại biểu đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia ý kiến góp ý vào dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Dự án Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương và 57 điều, quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý Nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Dự thảo được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, nhằm bảo vệ tính mạng sức khỏe, tài sản của nhân dân; nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả đối với các thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an ninh, an toàn khi xảy ra tình huống.
Đại biểu đại diện Sở Công Thương tham gia ý kiến góp ý vào dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Tại hội nghị, các đại biểu và đại diện các sở, ngành đều cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo, thống nhất sự cần thiết ban hành luật và góp ý một số vấn đề cụ thể góp phần xây dựng luật hoàn chỉnh hơn, như bỏ bớt cụm từ “hoạt động phòng thủ dân sự” (Điều 1) để câu được xúc tích, ngắn gọn; tại ý 3, Điều 15 cần quy định cơ quan cụ thể chủ trì khi tổ chức tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ; ngoài ra, nhiều đại biểu có chung ý kiến quy định cụ thể hơn về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 41, Điều 42) và trong trường hợp cấp bách mới xây dựng quỹ.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các ý kiến mà các đại biểu đã góp ý vào dự thảo luật. Đồng thời, tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp các ý kiến của đại diện các sở, ngành và đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiến đóng góp chuyên sâu về Đoàn ĐBQH tỉnh để đoàn tổng hợp và trình Quốc hội xem xét./.