ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

14/03/2023

Sáng 14/3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học.

ĐOÀN ĐBQH TP. HÀ NỘI GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY ĐIỆN LỰC HÀ NỘI VÀ SỞ CÔNG THƯƠNG

PGS.TS Trần Trọng Phương phát biểu.

Thu hồi đất luôn gặp khó khăn

Về ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, PGS.TS Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, dự thảo luật nêu quy định thu hồi đất phải được 100% người dân đồng tình thì sẽ khó thực hiện và triển khai không khả thi. Do đó, quy định 80% sự đồng thuận là có thể tiến hành phương án thu hồi sẽ khả thi hơn.

Về tiêu chuẩn của khu tái định cư cũng đã được nêu rất rõ, phải bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với văn hóa địa phương, tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, để bảo đảm cho người bị thu hồi đất yên tâm, không thắc mắc, khiếu kiện, chất lượng khu tái định cư cần có sự kiểm định của cơ quan quản lý xây dựng của chính quyền địa phương nơi có dự án bố trí tái định cư.

Chia sẻ thực tế tại địa phương về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ đề xuất bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đối với các khu vực quận đã có quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu đô thị chi tiết, bởi việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm hầu như không thực hiện được trước ngày 31-12 theo quy định và vừa làm xong năm nay thì lại làm tiếp năm sau.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý về công tác quy hoạch.

Ở quy mô lớn hơn, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị cần xem lại quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch vì với khối lượng lớn, quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế. Về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn; do đó, cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch, nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng nhận định, quy định không gian ngầm, không gian mặt đất và không gian trên không là cần thiết, nhưng dự thảo cần nghiên cứu sâu để quy định cụ thể, đặt mối quan hệ giữa 3 không gian này trong tổng thể quy hoạch. “Hà Nội cần lấy kinh nghiệm của mình khi là địa phương đầu tiên công bố đồ án quy hoạch không gian ngầm để góp ý cho Quốc hội quy định về nội dung này trong dự thảo luật”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Nhiều vấn đề cần lưu tâm

PGS.TS Trần Trọng Phương cũng nhận định, có rất nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính độc lập, khách quan của cơ quan thẩm định, cơ quan xây dựng và cơ quan quyết định giá đất, cần nghiên cứu tách bạch thẩm quyền, chức năng, thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa ai đặt lại câu hỏi: “Như vậy, ai là người quyết định giá đất?”. Thực tế Luật Đất đai đã quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Nhà nước có quyền quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quyết định về tài chính đất đai... Nhưng phải hiểu ở đây Nhà nước là ai? Nếu không giao cho UBND tỉnh quyết định thì phải giao cho ai? Nếu đưa Hội đồng thẩm định quyết định thì ai sẽ thẩm định Hội đồng? Giao cho một cơ quan độc lập có thể hiện đầy đủ tính pháp lý được không?… Đây là một khía cạnh vấn đề dự thảo luật cần nghiên cứu và thể hiện rõ hơn”, PGS.TS Trần Trọng Phương góp ý về vấn đề định giá đất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng nêu ý kiến.

Nhận định việc xác định bảng giá đất sẽ rất khó khăn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho rằng, nguyên tắc định giá đất rất chính xác nhưng cần có dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất.

“Hiện nay, trên thực tế, việc giao dịch đất đai, mua bán “2 giá” rất nhiều, chỉ dựa vào việc nộp thuế mua bán đất đai thì sẽ rất khó khăn để xác định sát giá đất. Rất khó có ai dám đặt bút ký bảng giá đất khi không đủ dữ liệu đầu vào. Cần thể chế trong luật nội dung này để bảo đảm khả thi trong thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nói.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, qua theo dõi hoạt động hành nghề công chứng, việc hộ gia đình sử dụng đất tham gia giao dịch gây ra nhiều bất cập, nhất là với yêu cầu tất cả các thành viên của hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đủ tuổi) phải tham gia ký kết khi thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất dù họ không có đóng góp gì đối với việc hình thành tài sản; việc xác nhận hoặc chứng minh thành viên hộ gia đình đôi khi cũng gây nhiều khó khăn.

“Để phù hợp với quy định về chủ trong quan hệ dân sự của Bộ luật Dân sự năm 2015, cần hạn chế việc quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình. Chỉ nên quy định hộ gia đình là chủ thể sử dụng đất đối với một số loại đất cụ thể như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nêu quan điểm.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, các đại biểu đã phát biểu tập trung, đặc biệt là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính đất đai, điều kiện thu hồi, đặc biệt là các điểm mới của dự thảo luật…

Ghi nhận về những điều vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất đóng góp cụ thể vào các điều khoản, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai mong muốn tiếp tục được lắng nghe ý kiến phân tích thêm của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị, địa phương về các nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), từ đó, thành phố tổng hợp chuyển đến các cơ quan soạn thảo và Quốc hội xem xét.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức 2 cuộc cấp thành phố; 30 cuộc cấp quận, huyện, thị xã; 579 cuộc cấp phường, xã và hơn 2.000 cuộc tại thôn, tổ dân phố lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Nguyễn Sỹ Trường cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổng hợp báo cáo đóng góp ý kiến với đầy đủ các nội dung góp ý vào dự thảo luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

(Theo Báo Hà Nội mới)