ĐOÀN ĐBQH ĐÀ NẴNG LÀM VIỆC VỚI UBND THÀNH PHỐ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA

07/02/2023

Sáng 07/02, phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH Đà Nẵng với UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trưởng đoàn giám sát chuyên đề nhấn mạnh, không để lợi ích nhóm chi phối vào lựa chọn sách giáo khoa (SGK).

ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỰC HIỆN GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN HẢI CHÂU

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Huy

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đại diện lãnh đạo thành phố làm việc với đoàn.

Theo Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, câu chuyện về nhà xuất bản, nhóm tác giả là rất đáng để bàn. Thành phố phải bảo đảm tính khách quan trong việc lựa chọn SGK, tránh phát sinh các tiêu cực. Việc lựa chọn SGK cần phải quan tâm, xem xét giải quyết thỏa đáng từ sự lựa chọn của các trường, nhằm giảm bớt khó khăn cho cơ sở.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Huy

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, việc triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 bảo đảm tính phù hợp về mục tiêu, yêu cầu đổi mới, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xác định rất cụ thể, đã khái quát được mục tiêu cần đạt được của GDPT về phẩm chất, năng lực người học.

Kế hoạch giáo dục được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Về nội dung giáo dục, đã cụ thể hóa mục tiêu của chương trình GDPT.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Huy

Về tính khả thi, các cấp lãnh đạo thành phố đã tích cực chủ động tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên cục bộ, sĩ số học sinh trên lớp còn nhiều. Việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học còn chậm, chưa tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên để dạy học các môn học/hoạt động giáo dục mới như: môn Khoa học tự nhiên đối với cấp THCS (chưa đào tạo được đội ngũ đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu môn học), môn Âm nhạc và Mỹ thuật đối với cấp THPT…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 giúp giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, tăng trải nghiệm, tăng kỹ năng, giảm bệnh thành tích, giảm dạy thêm, học thêm từ đó giảm tiêu cực trong giáo dục…

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trọng Huy

Tuy vậy, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, như việc tuyển dụng, bố trí giáo viên. “Tỷ lệ giáo viên giảm, nhưng chất lượng giáo viên thì yêu cầu phải nâng lên và phải phụ trách nhiều môn (đa năng), phải dạy theo nhu cầu của học sinh (định hướng nghề nghiệp)...

Cùng với đó, việc tinh giản biên chế theo quy định, dù cho phép dùng ngân sách thành phố ký hợp đồng giáo viên để bảo đảm số lượng, nhưng chính cơ chế hiện nay dẫn đến giáo viên không an tâm trong công tác, không ổn định trong đội ngũ”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, hiện nay ngành Giáo dục còn vướng một số khó khăn, như việc mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đào tạo, việc lựa chọn SGK…

Từ những khó khăn đó, thành phố khuyến khích xã hội hóa, thành lập trường liên cấp nhằm bảo đảm quy mô trường lớp có chất lượng, giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Kiến nghị tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, chính sách phát triển giáo dục cần phải ổn định, tránh tình trạng giáo dục giống như ngôi nhà, xây rất nhiều chất liệu và sửa chữa rất nhiều, cơi nới nhiều dẫn đến thiếu bền vững.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được của ngành Giáo dục thành phố với việc triển khai thực tế có hiệu quả.

UBND thành phố cần bổ sung ý kiến đại biểu các trường tại buổi làm việc để làm rõ hơn các kết quả đạt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc để nêu đầy đủ hơn trong báo cáo gửi đoàn giám sát; để từ đó, đoàn nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét có hướng giải quyết.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng đề nghị, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 25-1-2014 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

UBND thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm chuyên sâu, bàn về giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, để có hướng tháo gỡ trong thẩm quyền; chỉ đạo địa phương, đơn vị rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị công lập, các đơn vị sự nghiệp giáo dục trên địa bàn thành phố; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, rà soát về thực trạng, nhu cầu biên chế phục vụ công tác giảng dạy, chương trình GDPT mới hiện nay; rà soát, điều chỉnh biên chế cục bộ giữa các địa phương, đơn vị và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng chuẩn đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018…

(Theo Báo điện tử Đà Nẵng)