ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA

04/01/2023

Sáng 04/01, đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn tỉnh.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG NĂM 2023

Làm việc với đoàn về phía UBND tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh buổi làm việc.

Để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, căn cứ các quy định của Trung ương, các Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh, mức dự phòng ngân sách ở các cấp đã được bố trí tăng từ mức 2% lên mức tối đa 4% tổng chi ngân sách địa phương; sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã), tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương để thực hiện phòng, chống dịch… Từ những quy định nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đảm bảo nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh việc sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Quảng Ninh cũng huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo và dành nguồn lực cho công tác cải tạo cơ sở vật chất và đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới. Đối với đội ngũ giáo viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức quản lý chặt chẽ việc sử dụng viên chức, hợp đồng lao động tại các đơn vị giáo dục công lập; ưu tiên số lượng người làm việc cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy bộ môn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh mục tiêu của chương trình giám sát là nhằm đánh giá kết quả thực hiện của địa phương và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình. Trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chương trình giám sát chính thức trong năm 2023. 

Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn bổ sung nội dung báo cáo theo yêu cầu của đề cương giám sát. Trong đó, đối với báo cáo về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nội dung báo cáo phải đảm bảo tổng hợp được kết quả thực hiện của tất cả các đơn vị, địa phương toàn tỉnh trong thời gian từ năm 2020 đến nay. Đồng thời, đánh giá được hiệu quả sử dụng của các trang thiết bị y tế huy động từ nguồn xã hội hóa trong công tác phòng chống dịch và nhu cầu sử dụng thực tế hiện nay. Đây là nội dung rất quan trọng để Quốc hội đánh giá tổng thể trên phạm vi toàn quốc để xây dựng phương án phân bổ, bố trí sử dụng một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí.

Về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, báo cáo phải xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan đối với những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến các cơ chế, chính sách pháp luật còn thiếu hoặc chưa thực sự phù hợp; đảm bảo tạo những hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn và thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện.  

(Theo Báo điện tử Quảng Ninh)