NGHỆ AN: THỊ XÃ CỬA LÒ KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI CÓ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CHO TUYẾN Y TẾ CƠ SỞ
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Huy động hơn 3.200 tỷ đồng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó trưởng Đoàn giám sát đồng chủ trì cuộc làm việc.
Theo báo cáo của các sở, ngành, việc huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 nói chung và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 nói riêng được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, tạo sức mạnh tổng hợp phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo việc thực hiện các chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ảnh: Mai Hoa
Tổng nguồn lực huy động và phân bổ từ nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hơn 1.856 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 540 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương hơn 1.316 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn huy động từ nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng tiền mặt và hiện vật quy đổi gần 1.351 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật quy đổi, bao gồm máy thở, kít test, thuốc, quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang…; trong đó, tiền mặt hơn 175 tỷ đồng.
Đồng chí Đậu Thị Minh Loan - Phó Giám đốc Sở Tài chính báo cáo nguồn lực huy động từ ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Mai Hoa
Từ nguồn lực huy động, phân bổ từ ngân sách đã chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng gần 1.694 tỷ đồng, gồm kinh phí mua vắc-xin, thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm; kinh phí khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19; kinh phí sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; kinh phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến; kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch…
Bên cạnh đó, do tính chất cấp bách và xử lý trong thời gian ngắn, khối lượng công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất lớn, đòi hỏi huy động lớn về sức người, sức của, mặt khác, chưa có tiền lệ nên việc bố trí kinh phí và nguồn lực giai đoạn đầu còn lúng túng, có thời điểm chưa kịp thời.
Đại tá Dương Minh Hiền - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An báo cáo việc huy động lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Mai Hoa
Một số mặt hàng thuốc, vật tư tiêu hao đã được duyệt dự toán nhưng khi chào thầu không có nhà thầu đáp ứng tiêu chí để lựa chọn dẫn đến một số mặt hàng cung ứng chưa kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, một số sở, ngành kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, trong đó, cần xem vật tư y tế, trang thiết bị y tế là loại hàng hoá đặc biệt có quy định riêng trong đấu thầu; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhằm khắc phục những bất cập đặt ra hiện nay.
Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tham gia ý kiến tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Liên quan đến hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là trình độ, năng lực của đội ngũ cũng như trang thiết bị y tế còn bất cập.
Xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc tăng lên tại tuyến y tế cơ sở, năm 2022 có 40 nhân viên, trong đó, có 21 bác sĩ. Bên cạnh đó, tuyến cơ sở mới chú trọng thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh, còn mảng y tế dự phòng chưa quan tâm đúng mức.
Làm rõ việc bố trí nguồn lực dự phòng, kinh phí phòng, chống dịch
Đồng chí Thái Thị An Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Trên cơ sở báo cáo của các sở, ngành, các thành viên Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đặt ra nhiều vấn đề cần làm rõ. Bên cạnh quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng, chống dịch và kinh nghiệm xây dựng bệnh viện dã chiến, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát công tác đề nghị các ngành liên quan làm rõ việc chi trả cho nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch; phương án xử lý nguồn kinh phí dư từ ngân sách và nguồn huy động xã hội hóa tại các đơn vị được phân bổ.
Một số ý kiến đề xuất làm rõ việc bố trí nguồn lực dự phòng các cấp phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo Luật Ngân sách đảm bảo 2-4%; quan tâm đầu tư trang thiết bị tổi thiểu cho tuyến y tế cơ sở.
Đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó trưởng Đoàn giám sát phát biểu nêu một số kiến nghị đối với các ngành. Ảnh: Mai Hoa
Kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó trưởng Đoàn giám sát ghi nhận các sở, ngành đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; các chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Các nguồn lực huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch kịp thời và sử dụng hiệu quả, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn tỉnh. Về mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư nâng cấp và mảng y tế dự phòng hoạt động góp phần khống chế nhiều loại dịch bệnh.
Đồng chí Trần Nhật Minh kiến nghị Sở Tài chính và Sở Y tế cần rà soát lại các cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 còn lại để có phương án sử dụng hiệu quả.
Đối với các đơn vị Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần đánh giá đầy đủ việc huy động lực lượng, những khó khăn đặt ra và kiến nghị với Quốc hội những vấn đề liên quan đến huy động lực lượng và phối hợp với các lực lượng trong phòng, chống dịch.