ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH GIÁM SÁT TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH

13/12/2022

Sáng 13/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

DẤU ẤN NGHỊ TRƯỜNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH NINH BÌNH

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình chủ trì buổi giám sát.

Cùng tham gia đoàn giám sát có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, trong thời gian qua, Ngân hàng CSXH Trung ương và UBND các cấp luôn quan tâm tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. 

Đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn là trên 3.265 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch, tăng 410 tỷ đồng so với đầu năm. 

Trong đó: nguồn vốn cân đối chuyển từ Trung ương là trên 2.510 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76,87% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là trên 226 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng nguồn vốn (Trong đó, ngân sách tỉnh gần 182 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 44,3 tỷ đồng); nguồn vốn huy động đạt trên 529 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng nguồn vốn, đạt 162,4% kế hoạch tăng trưởng.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu vốn trên địa bàn của các đối tượng thụ hưởng, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. 

Do đó, 11 tháng đầu năm, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình là đơn vị có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân chung toàn quốc.

Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 3.261 tỷ đồng, tăng 14,35% so với năm 2021, đạt 91,69% kế hoạch tăng trưởng. 

Trong đó, kết quả thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ đạt 236 tỷ đồng, với 4.193 khách hàng được vay vốn, đạt 98,9% kế hoạch tăng trưởng.

Từ nguồn vốn đã có trên 30 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. 

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho gần 10.000 lao động; giúp cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính…

Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Chính phủ hàng năm bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp để người dân có vốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. 

Đồng thời đề nghị dừng Chương trình cho vay học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học trực tuyến, để tránh việc sử dụng vốn vay không hiệu quả do dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu vay vốn đối với chương trình này trên địa bàn đã cơ bản được đáp ứng. 

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng CSXH trong thực hiện Nghị quyết số 43; về nguồn vốn, sử dụng vốn; việc phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với Chương trình; hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; những kiến nghị, đề xuất của đơn vị...

Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu kết luận tại hội nghị.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của Ngân hàng CSXH tỉnh trong công tác chủ động, tích cực tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. 

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định chủ trương của Quốc hội, Nhà nước là đúng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với chương trình chính sách.

Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở giám sát, Đoàn tổng hợp để báo cáo Quốc hội xem xét.

(Theo Báo điện tử Ninh Bình)