THẢO LUẬN TỔ 14: NÊN CÓ HÌNH THỨC TỰ CHỌN BIỂN SỐ XE CHO NGƯỜI DÂN VỚI MỨC PHÍ VỪA PHẢI

26/10/2022

Sáng nay (26/10) Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

THẢO LUẬN TỔ 1: GIÁ KHỞI ĐIỂM ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ Ô TÔ - QUY ĐỊNH TRONG NGHỊ QUYẾT HAY GIAO ĐỊA PHƯƠNG QUYẾT ĐỊNH?

THẢO LUẬN TỔ 7: RÀ SOÁT, QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, tổ trưởng Tổ 14 điều hành phiên thảo luận.

Thảo luận tại tổ 14 gồm các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Phước. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, tổ trưởng Tổ 14 điều hành phiên thảo luận.

Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị, tại điểm b, khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật cần giảm bớt thời gian đăng ký xe kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số đấu giá là 6 tháng thay vì 12 tháng để tránh tình trạng đầu cơ biển số, trục lợi. Trong Dự thảo luật quy định: “Không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe), thì cần làm rõ trong trường hợp chuyển nhượng xe có đi kèm với biển số thì có phải là chuyển nhượng biển số hay không để đảm bảo minh bạch trong thực hiện và có cơ sở để cơ quan thuế xem xét bổ sung các quy định liên quan đến thuế do hiện nay pháp luật chưa có quy định về nội dung này", nếu không quản lý chặt chẽ sẽ xảy ra hiện tượng chuyển nhượng giống như “lan đột biến” thời gian qua gây bức xúc trong dư luận và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận.

Cũng liên quan tới nội dung này, Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, quy định không được chuyển nhượng, cho tặng biển số trúng đấu giá để tránh “đẻ ra” các nhóm cò mồi chuyên đi mua đấu giá biển số xong bán lại. Do đó biển số đấu giá phải gắn với phương tiện để hạn chế bớt tiêu cực, tránh làm méo mó mục đích ban đầu là đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.

Về mức giá trần khởi điểm để đưa ra đấu giá, tại Điều 5 của dự thảo luật quy định đối với vùng 1 Hà Nội, Hồ Chí Minh mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng, vùng 2 là 20 triệu đồng. Theo Đại biểu Nguyễn Công Long Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, không nên phân biệt vùng miền mà chỉ nên để một mức giá khởi điểm chung là 20 triệu cho tất cả các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Công Long Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Một số ý kiến cho rằng, do quan niệm về biển đẹp đối với mỗi người là khác nhau, vì vậy, song song bên cạnh việc đấu giá biển số đẹp theo kho số mà nhà nước quy định thì nên có thêm hình thức số tự chọn biển số xe cho người dân với mức thu phí vừa phải, điều này cũng tạo ra nguồn thu ngân sách lớn hơn rất nhiều. Đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước lấy ví dụ, giống như lập tài khoản ngân hàng, được lựa chọn dãy số theo ý muốn, chẳng hạn trùng với số căn cước công dân của bản thân nên dễ nhớ, thuận lợi trong các giao dịch. Theo đại biểu,  nên có một công thức, một phương án tính toán số tự chọn một cách phù hợp mà không phải là những dãy số đưa ra đấu giá để người dân có thể tự chọn, tự chi trả trên hệ thống tự động sẽ đáp ứng được nhu cầu người dân.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Quản Minh Cường cũng cho rằng, tại nhiều quốc gia cũng đã áp dụng hình thức này, do đó đề nghị ban soạn thảo cân nhắc.

Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại biểu đề nghị, việc nâng mức trần vay lên mức 40% (khoản 1 Điều 3) sẽ góp phần tạo dư địa để tỉnh Đắk Lắk huy động nguồn lực cần thiết, đáp ứng nhu cầu đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần tính toán đảm bảo được khả năng hấp thụ vốn cũng như khả năng trả nợ và bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương, đồng thời phù hợp với tổng mức bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định hằng năm (tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3%GDP) và không làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác.

Về các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, khoản 1 Điều 4 dự thảo, các ý kiến đồng tình với việc cần phải có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo thì phạm vi miễn giảm rất rộng, thời gian miễn giảm khá dài sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng giữa các địa phương, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Do đó cần bổ sung quy định rõ tiêu chí, điều kiện và phạm vi áp dụng ưu đãi thuế, bên cạnh đó rà soát lại phạm vi các ngành, lĩnh vực ưu đãi nhằm hỗ trợ đúng và trúng lĩnh vực ngành nghề ưu tiên cho phát triển kinh tế thành phố Buôn Ma Thuột.

Đại biểu Quản Minh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Tại khoản 1 Điều 6 quy định: “Chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 05 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại thành phố Buôn Ma Thuột”.

Các ý kiến cho rằng đây là quy định phù hợp, cần thiết góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trước tình hình thiếu hụt nhân lực, tỷ lệ lao động có trình độ kỹ năng chuyên môn chưa đến 30% và chỉ 10% người lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số. Tuy nhiên, quy định này cũng cần làm rõ như thế nào là “tài năng đặc biệt” để có căn cứ thực thi Nghị quyết đúng đối tượng, đem lại hiệu quả chính sách./.

Dương Dung

Các bài viết khác