THẢO LUẬN TỔ 5: VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA CÒN CHẬM

22/10/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tổ 5 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Bình Thuận.

HÌNH ẢNH ĐOÀN ĐBQH CÁC TỈNH/THÀNH TẠI BUỔI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Toàn cảnh Phiên họp

Tham gia thảo luân, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông bày tỏ tán thành về những nhận định, đánh giá tình hình, những kết quả đạt được và những vấn đề tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm và các giải pháp, nhiệm vụ nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Đại biểu nhận thấy, trong năm 2022 có nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là tình hình COVID-19. Bên cạnh đó là những vấn đề bất ổn trong chiến sự của một số nước trên thế giới, nhất là giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế thế giới, trong đấy có Việt Nam. Bám sát sự chỉ đạo của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, ấn tượng. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tăng cao, tình hình kinh tế xã hội phát triển ấn tượng trong năm 2022 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đại biểu Dương Khắc Mai khẳng định, Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 về điều hành phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và chính sách zero COVID của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tăng giá trị đồng ngoại tệ mạnh; các thị trường lớn, truyền thống như EU, Mỹ, Trung Quốc đang dần bị thu hẹp, tạo thách thức không nhỏ cho vấn đề xuất khẩu, nhiều mặt hàng tăng cao đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân..

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Có thể nói, thời gian vừa qua, ngành năng lượng đã phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm; cơ bản đảm bảo tình hình năng lượng quốc gia. Đây là vấn đề quan trọng góp phần vào phát triển tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là những yếu tố bất lợi cho kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, gia tăng chi phí sinh hoạt, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp và cũng là trở ngại lớn cho việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Theo đại biểu, vấn đề giảm nghèo trong thời gian vừa qua còn thiếu tính bền vững, khả năng tái nghèo cao. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 chưa giải quyết xong thì tình hình thiên tai, dịch bệnh, bão lũ đã tác động không tốt đến một số bộ phận người dân ở một số vùng, miền; tình hình tái nghèo của bộ phận người dân các vùng này tiếp tục diễn ra, do đó đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quan, tháo gỡ vấn đề này

Thống nhất với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến năm 2023, đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nêu rõ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 đã phát triển và hồi phục. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, kinh tế phát triển nhưng đời sống nhân dân còn gặp khó khăn; nhiều người, nhất là nông dân sản xuất lúa có nhiều nơi bỏ trống ruộng. Bởi giá giá nguyên liệu đầu vào cao nhưng giá lúa không tăng dẫn đến ruộng đồng bỏ hoang nhiều. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng gây khó khăn đối với ngư dân, tàu bè nằm bờ nhưng tiền vay vẫn phải trả lãi… từ những vấn đề trên dẫn tới nguy cơ tái nghèo. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người nông dân các về vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu rõ, vấn đề an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu, vấn đề giữ diện tích đất lúa buộc người nông dân phải sản xuất lúa. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến với người nông dân còn khó khăn, người dân khó tiếp cận được các chính sách. Do đó, Chính phủ cần có hỗ trợ về giá và các vấn đề liên quan cho người nông dân. Cùng với đó, việc tăng học phí cũng là vấn đề khiến người nông dân ở nông thôn rất khó khăn. Nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp về hỗ trợ kinh phí hoặc giảm kinh phí nhưng những địa phương khó khăn về kinh tế, xã hội chưa làm được vấn đề này.

Đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Quan tâm tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nêu rõ đây là nội dung thực hiện chậm, ở mức rất thấp, đạt 2,86% ở ba Chương tình mục tiêu quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu là yếu tố chủ quan, công tác lập kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện; ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đầu tư công chưa cao; công tác chuẩn bị ở không ít dự án còn kém chất lượng; sự phối hợp giữa bộ, ngành với địa phương để triển khai thực hiện. Đặc biệt, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng nhận thấy hoạt động và trách nhiệm của người đứng đầu chưa phát huy hết. Có thể thấy, việc xác định nguyên nhân đã khá rõ. Năm 2022, việc giao vốn rất chậm, có 12 văn bản Bộ, ngành trung ương chưa hướng dẫn triển khai thực hiện để địa phương tổ chức triển khai. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện trong năm 2023.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng nêu rõ việc triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho các Chương trình đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân, người nghèo, người yếu thế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Mặt khác, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận quan tâm tới tốc độ tăng năng suất lao động, với mục tiêu đặt ra năm 2022 là 5,5%, tuy nhiên mức dự kiến đạt được chỉ là 4,7% đến 5,2%, đây là thách thức rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu này cho giai đoạn 2021-2025. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét lại việc đặt ra chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động trong năm 2023.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện phát triển kinh tế xanh thích ứng với biển đổi khí hậu là những vấn đề then chốt, quyết định sự có thành công hay không việc chuyển đổi quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Do đó, vấn đề tăng năng suất lao động xã hội là một trong những biểu hiện thực chất đối với chất lượng nguồn nhân lực; và được đánh giá là một trong ba đột phá quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu mong rằng sẽ có những giải pháp trực tiếp, hiệu quả đối với việc đạt được chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội. Các phương thức, cách thức triển khai cần đảm bảo về mặt thời gian, chi phí, nguồn lực mới có thể đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu đặt ra.

Tại Phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh./.

Minh Thành