Đoàn ĐBQH Tp.HCM khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Đan Như
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng sau 17 năm thi hành, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu và thực tế cuộc sống xã hội, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Tp.HCM, Luật Giao dịch điện tử 2005 đang thể hiện nhiều hạn chế so với xu thế phát triển của công nghệ thông tin trên thế giới và khu vực. Vì vậy cần sửa đổi Luật này để phù hợp, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan trong nhiều lĩnh vực khác. Một số ý kiến cho rằng, Luật giao dịch điện tử cần được sửa đổi để kịp thời thể chế hóa chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ cũng như quá trình chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM Võ Thị Trung Trinh cho rằng rất cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định, đảm bảo cho quá trình thực hiện giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với công dân; giữa các cơ quan nhà nước và các công dân với nhau. Việc ban hành Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của xu hướng giao dịch điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, phổ biến trong thực tiễn xã hội hiện nay. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sau khi được thông qua, đi vào cuộc sống sẽ góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia trong xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Các ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của Luật, cần có những quy định về tính liên thông dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung, vấn đề chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý giao dịch điện tử; quy định rõ hơn về một công dân có một mã định danh sử dụng trong giao dịch điện tử. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử cần giải thích rõ ngữ nghĩa, nội dung của một số khái niệm liên quan như “chữ ký điện tử nước ngoài”; “chữ ký số”, “chữ ký điện tử”… Một số đại biểu đề nghị xây dựng chương riêng về quản lý nhà nước thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực giao dịch điện tử.