Toàn cảnh buổi làm việc
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo việc thực hiện pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, giai đoạn 2017 - 2021, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được triển khai đồng bộ, nghiêm túc và hiệu quả. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về ý nghĩa, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên rõ rệt; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Mối quan hệ phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng chặt chẽ, qua đó nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật định kỳ hàng quý ban hành văn bản định hướng nội dung, hình thức để các địa phương, đơn vị thực hiện. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được định hướng gắn với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu quản lý nhà nước; tập trung chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, các vấn đề mang tính thời sự, được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các lĩnh vực trọng tâm trong kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân. Hội đồng cũng thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn báo cáo việc thực hiện pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng cho biết, hằng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đều ban hành kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) trên địa bàn tỉnh với hình thức, nội dung đa dạng và phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các xã, phường, thị trấn tuyên truyền nội dung, ý nghĩa, mục đích của Ngày Pháp luật và các văn bản liên quan mật thiết đến người dân dưới nhiều hình thức. Toàn tỉnh đã tổ chức hơn 27 ngàn lượt phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hưởng ứng 768 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, in ấn và cấp phát gần 3 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật. Các hình thức tuyên truyền pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đã in ấn, cấp phát 17.650 sách pháp luật, 143.600 tờ rơi tuyên truyền pháp luật; ở cấp huyện đã tổ chức 10.876 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù; thực hiện kịp thời, có hiệu quả việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải cơ sở. Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, đa dạng hóa hình thức hoạt động, nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường; các chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai kịp thời; nguồn lực thực hiện công tác này thường xuyên được quan tâm…
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sơ Tư pháp chỉ ra rằng, năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên. Việc kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện lồng ghép với công tác kiểm tra, đánh giá mức độ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Hội đồng đánh giá cấp huyện và hoạt động thẩm tra kết quả của Sở Tư pháp. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã đề cập tới những khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thể chế, nguồn lực thực hiện, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ đó đưa ra các giải pháp như kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường…
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia nêu rõ thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chú trọng các vấn đề mang tính thời sự, thiết yếu, được xã hội quan tâm; công tác tuyên truyền được đổi mới, đa dạng dưới nhiều hình thức. Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh cần quan tâm, phổ biến pháp luật thông qua công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, quan điểm, chính sách của dự thảo luật, pháp lệnh dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến hoặc thông qua.
Cùng với đó tăng cường hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống truyền thanh cơ sở; quan tâm nâng cao kiến thức pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù (công nhân, người lao động tại Việt Nam và nước ngoài; đối tượng bị bạo hành...); bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật trong nhà trường, các cơ sở giáo dục. Đối với các đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với thực tiễn./.