ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC GIÁM SÁT CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TẠI TAND TỈNH VÀ CỤC THADS TỈNH

25/03/2022

Sáng 25/3, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh giai đoạn 2016 - 2021. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát. Cùng dự có đồng chí Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh kết luận buổi giám sát

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 01/7/2016 đến 01/7/2021, việc khiếu nại, tố cáo tại tòa án không nhiều, số lượng đơn, thư qua từng năm không tăng đột biến; không có tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp hoặc khiếu nại một lúc đến nhiều cơ quan, ban, ngành. Các khiếu nại, tố cáo gửi đến tòa án đều được tiếp nhận thống nhất qua một đầu mối là Văn phòng Tòa án để xử lý và quản lý, theo dõi, sau đó đề xuất người có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc chuyển cho cơ quan khác xem xét theo thẩm quyền. Số lượng tiếp nhận và giải quyết của Tòa án nhân dân hai cấp trong giai đoạn là 353 lượt với 243 vụ việc. Qua thụ lý, giải quyết các đơn tố cáo của Tòa án nhân dân hai cấp cho thấy, các đơn khiếu nại, tố cáo phát sinh thường do các đương sự trong vụ án gửi đến khi không đồng tình với các quyết định, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân hai cấp nhưng phần lớn đều không có căn cứ rõ ràng. Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 25.324 vụ án hành chính; xét xử, giải quyết 24.802 vụ, đạt tỷ lệ 97,9%. Số vụ án còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, các vụ án đều được Tòa án nhân dân hai cấp giải quyết đúng thời hạn luật định, không để quá hạn, áp dụng đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết. Các đương sự đều thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình giải quyết vụ án.

Trong công tác tiếp công dân, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bố trí phòng riêng, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày, phản ánh ý kiến được dễ dàng, thuận lợi. Hằng tháng, lãnh đạo các đơn vị xây dựng lịch tiếp công dân phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị và bảo đảm thực hiện đúng lịch đã niêm yết; gắn công tác tiếp dân với giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ công tác của các bộ phận, của lãnh đạo cấp trên với đơn vị cấp dưới. Việc tổ chức đối thoại, tiếp dân được diễn ra công khai, minh bạch, trong không khí thân thiện, chia sẻ.

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016- 2021, đơn vị đã tiếp 664 lượt công dân với 516 vụ việc. Đến thời điểm hiện tại, 100% vụ việc đã được giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Trong 5 năm, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 744 đơn, tăng 597 đơn, bằng 406,1% so với giai đoạn 2010-2015.  Trong tổng số đơn tiếp nhận có 693/744 đơn đủ điều kiện giải quyết; trong đó có 46 đơn trùng nội dung, đều liên quan đến nội dung về thi hành án dân sự, không có đơn liên quan đến án hành chính. Các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã xử lý, phân loại giải quyết 637/637 vụ việc của 744 đơn, đạt tỷ lệ 100%; không phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, làm rõ hơn về những tồn tại trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; hiệu quả giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp, kéo dài; việc triển khai giải quyết khiếu nại tố cáo đến cấp huyện; công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ thi hành án cấp cơ sở và sự phối hợp giữa các cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan Thi hành án trong giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh đã đánh giá cao kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, đồng chí đề nghị thời gian tới, 2 ngành tiếp tục quan tâm quán triệt thực hiện các chỉ thị của Đảng và nhà nước về tổ chức thực hiện nghiêm quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các các đơn vị trong chỉ đạo, thực hiện tiếp công dân định kỳ, đột xuất, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Cùng với đó, làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật, nhất là các vụ việc tồn tại, kéo dài, tránh gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, có giải pháp hiệu quả giải quyết các tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Các cơ quan cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của hai đơn vị, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổng hợp, trình Quốc hội và các cơ quan Trung ương xem xét, điều chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như các lĩnh vực khác liên quan.

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc)

Các bài viết khác