Cử tri TP. Hải Phòng cho rằng cần có chỉ đạo, chính sách cụ thể cho việc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước ở địa bàn nông thôn (Ảnh minh họa)
Trước đó, Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 418/BDN với nội dung phản ánh, tại Khoản 1, Điều 32 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định “… mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước”. Quy định này gây khó khăn cho việc quy hoạch và thu hút các doanh nghiệp có đủ điều kiện đầu tư xây dựng nhà máy nước mới do vướng quy định về “vùng cấp nước”.
Bên cạnh đó tại văn bản số 5161/BTC-QLCS ngày 28/4/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Trước mắt, việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được giữ như hiện trạng. Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc quản lý, vận hành công trình bảo đảm thông suốt, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công cho đến khi các quy định mới được ban hành”. Nội dung đề xuất này của Bộ Tài chính đã được Chính phủ đồng ý (tại văn bản số 5517/VPCP-NN ngày 08/7/2020). Như vậy, các nhà máy nước mini muốn nâng cấp, cải tạo cũng không thể thực hiện được.
Từ thực trạng trên, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Khoản 1, Điều 32 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về quy định đối với vùng cấp nước và xem xét có chỉ đạo, chính sách cụ thể cho việc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước ở địa bàn nông thôn hiện nay giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc nêu trên.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 682/BXD-HTKT trả lời cử tri TP. Hải Phòng. Theo đó, Khoản 1, Điều 32 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định “… mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước.” nhằm giảm số lượng đường ống cấp nước (nếu mỗi vùng phục vụ cấp nước có nhiều đơn vị cấp nước) tránh gây quá tải kết cấu hạ tầng giao thông và giảm chi phí đầu tư công trình cấp nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nước sạch; tuy nhiên, việc quy định này cũng gây ra tính độc quyền cấp nước theo mỗi vùng phục vụ.
Để kiểm soát tính độc quyền cấp nước, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP đã quy định việc ký kết thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước tại Điều 31; kế hoạch phát triển cấp nước và đầu tư cấp nước theo quy hoạch, kế hoạch tại Điều 33, Điều 34; việc thay đổi vùng cấp nước tại Khoản 4, Điều 32; việc thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn tại Chương VII; việc thay đổi đơn vị cấp nước do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ và kế hoạch phát triển cấp nước tại điểm b, Khoản 5, Điều 1 Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, trong đó bao gồm quy định tại Điều 32 mà cử tri thành phố Hải Phòng đã đề cập; báo cáo Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp.
Cũng theo công văn trả lời, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; nội dung Dự thảo Nghị định đã hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công trình cấp nước sạch nông thôn, tháo gỡ các vướng mắc nêu trên của cử tri.