NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

25/02/2022

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp tình hình, giám sát đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, phân loại các kết luận, kiến nghị sau giám sát, tăng cường theo dõi, đôn đốc…là những kinh nghiệm được Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam chia sẻ trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc).

Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc)

Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, thời gian qua, HĐND tỉnh Hà Nam đã tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò hoạt động giám sát của HĐND qua nhiều hình thức như: giám sát tại các kỳ họp, giám sát qua chất vấn, giải trình; giám sát thường xuyên; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh,...

Đối với hoạt động giám sát của HĐND tỉnh: HĐND tỉnh Hà Nam tập trung giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, các cơ quan tư pháp và qua hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh. Trung bình mỗi kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh Hà Nam thường có từ 10-15 ý kiến chất vấn; thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn, trả lởi ý kiến, kiến nghị của cử tri chiếm 30-40% chương trình kỳ họp và thường đề cập đến những vấn đề bức xúc, có tính thời sự, được cử tri, Nhân dân phản ánh, kiến nghị và được truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình. Sau các phiên chất vấn, đã ban hành các kết luận phiên chất vấn gửi UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện. Qua đây, quyền chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục được phát huy, trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chuyên môn được nâng lên rõ rệt.

Đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh: Trong năm 2021, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh Hà Nam đã thực hiện 06 cuộc giám sát; tập trung vào những vấn đề được cử tri, Nhân dân quan tâm như: giám sát hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược tư nhân; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, xe quá tải và việc quản lý, sử dụng một số tuyến đường giao thông; chất lượng nước sạch;... Sau các cuộc giám sát, các Đoàn giám sát đã chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; từ đó kiến nghị đối với từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để có biện pháp giải quyết, khắc phục; đồng thời cũng tiếp tục xem xét, nghiên cứu ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh,...

Kỳ họp HĐND tỉnh Hà Nam

Các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách được HĐND tỉnh ban hành, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng; kịp thời phát hiện những nội dung bất cập và kiến nghị với Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Để hoạt động giám sát phát huy hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam thường xuyên quan tâm, đôn đốc việc triển khai thực hiện các kết luận sau giám sát với tinh thần giám sát đến cùng các nội dung đã triển khai, tránh tình trạng các đối tượng chịu sự giám sát thực hiện thiếu trách nhiệm các kết luận sau giám sát.

Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử trong thời gian qua, HĐN tỉnh Hà Nam có một số kinh nghiệm trong việc “Nâng cao hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban và các tổ đại biểu HĐND tỉnh” như sau:

Một là, việc lựa chọn nội dung giám sát phải phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó, cần tập trung vào những vấn được cử tri, Nhân dân và các đại biểu quan tâm phản ánh, kiến nghị như: những chương trình, dự án, cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của số đông người dân; các vấn đề liên quan đất đai, môi trường, cải cách hành chính, …Thường trực HĐND tỉnh thực hiện điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát đảm bảo thống nhất, hạn chế chồng chéo về thời gian, địa bàn, đối tượng giám sát.

Hai là, hoạt động giám sát đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, đánh giá đúng những kết quả đối tượng chịu sự giám sát làm tốt, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp. Chủ động tổ chức hội nghị để trao đổi, thống nhất các nội dung trước khi có kết luận giám sát; nội dung kết luận giám sát phải rõ ràng, từ đó kiến nghị những biện pháp khắc phục thiết thực, cụ thể, đảm bảo đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát; tránh kiến nghị chung chung.

Ba là, thực hiện phân loại các kết luận, kiến nghị sau giám sát để theo dõi, đôn đốc. Đối với một số kết luận, kiến nghị có tính chất cấp thiết, cần phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay thì Thường trực HĐND tỉnh tập trung đôn đốc, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Những kiến nghị đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan phối hợp thực hiện thì HĐND cũng tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chủ động thực hiện.

Phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam

Bốn là, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Theo dõi, tổng hợp các nội dung đã kết luận, kiến nghị sau giám sát, cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành. Những kiến nghị chưa được thực hiện nghiêm túc, hoặc tiến độ thực hiện chậm thì cần phải phân tích, đánh giá nguyên nhân và tìm biện pháp để khắc phục, nếu thấy cần thiết có thể tổ chức tái giám sát hoặc đưa nội dung kiến nghị trong cuộc giám sát ra chất vấn tại kỳ họp để bảo đảm việc thực hiện kiến nghị sau giám sát được nghiêm túc (Năm 2021 các Ban của HĐND tỉnh đã thực hiện tái giám sát 03 cuộc để đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong thực hiện các kết luận sau giám sát).

Năm là, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát chuyên đề trong quá trình giám sát cũng như sau giám sát và đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng Chuyên mục “Vấn đề hôm nay” trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, trong đó tập trung phản ánh kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là những vấn đề bức xúc, chưa hoặc chậm giải quyết, qua đó tăng cường sự giám sát của Nhân dân đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua đó tạo điều kiện cho đại biểu HĐND và cử tri, Nhân dân cùng theo dõi, giám sát.

Sáu là, thực hiện Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, Quy chế phối hợp giữa Thường trực HDND tỉnh, UBND tỉnh và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, tại các phiên họp tháng của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh báo cáo cụ thể kết quả thực hiện những nội dung đã trả lời chất vấn, giải trình tại các kỳ họp, phiên họp. Đối với những nội dung chưa thực hiện thì kịp thời thống nhất các biện pháp, giải pháp để thực hiện. Bên cạnh đó Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, việc thực hiện lời hứa, cam kết của các thành viên UBND tỉnh. Ngoài ra để nâng cao trách nhiệm giám sát của các đại biểu, HĐND tỉnh Hà Nam đã đưa nội dung này vào tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu.       

Bên cạnh những kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát, HĐND tỉnh Hà Nam kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện, ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát nhất là đối với cấp cơ sở, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trước cử tri và Nhân dân./.

Bảo Yến