BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRẢ LỜI CỬ TRI THÁI NGUYÊN VỀ QUẢN LÝ THÔNG TIN SAI SỰ THẬT TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

08/02/2021

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chính thức trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên về việc quản lý các thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên khoá XIV

Sau Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Facebook, Google, Youtube phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo Luật An ninh mạng; đồng thời quản lý chặt chẽ các nội dung, phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với thuần phong, mỹ tục, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hợp tác với cơ quan Công an khi có yêu cầu. Theo kiến nghị của cử tri, tình trạng lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube để đăng tải, chia sẻ các bài viết chống Đảng, chống Nhà nước; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn những người nhẹ dạ, tin theo các “tà đạo”, “đạo lạ”, các hội nhóm, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật đang rất phức tạp. Máy chủ các trang mạng này thường đặt ở nước ngoài nên rất khó khăn trong công tác quản lý về an ninh trật tự và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có thể khẳng định rằng tin giả (fake news), thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam chủ yếu xuất hiện, tồn tại trên các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam (phổ biến là Facebook và Youtube) hoặc các trang có tên miền quốc tế, máy chủ đặt tại nước ngoài. Hiện có khoảng 120.000 kênh tiếng Việt trên Youtube, trong đó có khoảng trên 350 kênh có trên 1 triệu người theo dõi; có 15.000 kênh kiếm tiền. Bên cạnh đó, thời gian qua, đã có tình trạng lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube để đăng tải, chia sẻ các bài viết chống Đảng, chống Nhà nước; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn những người nhẹ dạ, tin theo các “tà đạo”, “đạo lạ”, các hội nhóm, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Trước thực trạng đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an vào cuộc quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng như cử tri nêu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trước tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh quản lý mạng Internet, mạng xã hội và thông tin trên mạng. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung cụ thể, chi tiết hóa nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng, tăng hình thức và các mức xử phạt để đủ sức răn đe nêu cụ thể một số điều khoản tăng mức xử phạt đối với các video phản cảm, độc hại.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ về kỹ thuật nhằm xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước. Đồng thời chủ động đàm phán, quyết liệt đấu tranh với Google và Facebook, buộc hai doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai mạng xã hội này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, việc triển khai các giải pháp quản lý mạng Internet, mạng xã hội và thông tin trên mạng đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, Facebook đã nâng tỷ lệ gỡ chặn đạt tới 95%. Từ đầu năm 2018 đến ngày 15/01/2021, Facebook đã ngăn chặn, gỡ 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức chuyên tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam; 4.718 bài viết; 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống pháp Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Facebook đã thực hiện đúng cam kết, triển khai gỡ bỏ 100% tin giả, tài khoản giả mạo Bộ Y tế để đưa tin giả về liên quan đến Covid-19; nâng tỷ lệ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Đối với Youtube, tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 87%. Từ đầu năm 2018 đến ngày 15/01/2021YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 31.044 video vi phạm; 24 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước với hàng nghìn video mỗi kênh.

Về xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương đã xử lý các trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật trên môi trường mạng gồm có 26 vụ việc nhắc nhở và 45 vụ việc xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền là 323.500.000 VNĐ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở Văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo quy định tại Luật An ninh mạng./.

Minh Thành - Thế Hà