Đại biểu Hoàng Văn Hùng phát biểu
Tại Phiên thảo luận tổ, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Hoàng Văn Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ, Khoản 4, Điều 23 quy định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Theo đại biểu, cần làm rõ hơn về cần có căn cứ xác định tăng giảm mức phạt tiền để đảm bảo tính chặt chẽ của quy định.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng nên bổ sung điểm "đ" vào sau điểm "d Khoản 2 Điều 86" quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo các đại biểu, quy định này sẽ khắc phục được tình trạng vi phạm hành chính diễn ra tương đối nhiều ở một số địa bàn hiện nay.
Toàn cảnh Phiên họp
Đồng thời, đại biểu Ngô Sách Thực- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang và một số đại biểu cũng tán thành với quy định sửa đổi tại Điều 61 về vấn đề giải trình. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình. Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý và tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Một số đại biểu cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định tại Điều 58, đó là biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính hoặc từ khi xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Theo một số đại biểu, thời gian 24 giờ là quá ngắn, chưa tính những ngày lễ thứ 7, chủ nhật. Do đó nên quy định thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi- Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ và các đại biểu đề nghị cần rà soát lại toàn bộ dự án Luật, giải thích rõ ràng hơn một số khái niệm, nghiên cứu lại tính thống nhất giữa luật này với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam./.