Phỏng vấn Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng
Qua báo cáo tiếp thu, giải trình cho thấy dự thảo luật trải qua quá trình thảo luận, góp ý từ cơ sở, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan, qua thảo luận của các ĐBQH đã được tiếp thu bổ sung, chỉnh lý kỹ lưỡng, cẩn trọng. Đại biểu cũng tán thành quan điểm sửa đổi, bổ sung lần này là chúng ta tập trung chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng…
Đại biểu cũng nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo về việc cần thiết bổ sung quy định về “phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” như đề nghị của Chính phủ. Vì 3 lý do sau:
Thứ 1: Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là tổ chức giám định kỹ thuật hình sự duy nhất, chỉ được tổ chức tại cấp VKSNDTC, không tổ chức thành hệ thống ngành, có nhiệm vụ phục vụ cho một hoạt động đặc trưng riêng có được pháp luật trao cho Cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC là điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và một số vụ án kinh tế, tham nhũng. Đây là nhiệm vụ đặc trưng, riêng có, chỉ trao cho VKSNDTC.
Thứ 2: Việc quy định “phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” không làm tăng thêm biên chế cán bộ, công chức mà trên cơ sở số lượng biên chế hiện có, về phương tiện kỹ thuật cơ bẳn trên trang bị hiện có, yêu cầu đầu tư không lớn, tính khả thi cao.
Thứ 3: Cần bảo đảm tính độc lập của tổ chức giám định này trong điều kiện đối tượng giám định liên quan đến chủ thể vi phạm pháp luật là người có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Đại biểu còn băn khoăn với nội dung tại khoản 2, điều 20 quy định “Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu giám định” và cho rằng quy định này không phù hợp. Bởi
Thứ nhất: Luật này đã được thiết kế theo một trình tự chặt chẽ, trong một mối liên hệ từ định nghĩa “người giám định”, “giám định viên tư pháp”; công tác lựa chọn con người, thủ tục lập hồ sơ, bổ nhiệm quy định về nghĩa vụ, quyền hạn của Giám định viên…cho đến công bố danh sách, lựa chọn Giám định viên, trưng cầu giám định viên trong danh sách được công bố, đến hoạt động giám định. Đây là logic đúng nội tại của một văn bản luật. Tuy nhiên, việc ghi vào quy định vừa nêu trên đã làm phá vỡ tính nhất quàn của toàn bộ văn bản Luật, tiềm tàng bất cập, dẫn đến suy giảm tính hợp pháp, tính căn cứ và tính đúng pháp luật của kết quả giám định, ảnh hưởng đến kết quả quá trình tiến hành tố tụng.
Thứ hai: Trường hợp đặc biệt trong trường hợp nào. Nếu là trường hợp đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự thì những trường hợp đó phải được quy định cụ thể trong luật này, hoặc đã được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự. Điều này không có quy định.
Thứ ba: Trên thực tế, đã từng có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu một tổ chức không phải là tổ chức giám định tư pháp thực hiện việc giám định tư pháp một vụ án hình sự. Tổ chức này đã chỉ định một Giám định viên không phải là giám định viên tư pháp tiến hành giám định. Nhận thấy không có thức năng và không đủ khả năng tiến hành giám định theo nội dung trưng cầu giám định. Lẽ ra phải từ chối giám định theo luật định nhưng giám định viên này lại tự mình trưng tập công chức của ngành khác, cũng không phải là giám định viên cùng tiến hành giám định. Và lại có 2 kết quả giám định có những nội dung khác nhau. Và chính giám định viên đó lại có văn bản từ chối trách nhiệm của Giám định viên.
Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất loại bỏ nội dung quy định trong khoản 2, điều 20 đã nêu trên khỏi dự thảo luật lần này /.