PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

19/08/2022

Chiều ngày 19/8, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Giao thông vận tải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì làm việc với bộ NN&PTNT về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Quang cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia.

Về phía cơ quan báo cáo có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021”, Đoàn Giám sát làm việc với Bộ Giao thông vận tải nhằm đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc xem xét, ban hành văn bản pháp luật liên quan, làm rõ vướng mắc bất cập về chính sách pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản này.

Về nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bám sát đề cương, báo cáo Đoàn giám sát về 07 nội dung trọng tâm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là nội dung liên quan đến đầu tư công; quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, người lao động và thời gian lao động; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác thanh tra, kiểm tra, tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực này.

Nhấn mạnh thước đo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là hiệu quả công việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ làm rõ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức trong lĩnh vực này, cùng với đó là việc đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thanh tra kiểm tra trách nhiệm của Bộ với ngành dọc. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể, các giải pháp đột phá của Bộ trong hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên các chỉ tiêu tài chính chưa được chú trọng

Báo cáo một số vấn đề tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016-2021 có những bước chuyển biến tích cực, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành đã làm tốt công tác tuyến truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng nhiều hình thức, qua đó nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành GTVT. Công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, quản lý chi đúng chế độ và tiết kiệm, đảm bảo công khai, minh bạch trong các hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước và các nguồn thu khác, tiết kiệm các khoản chi không cần thiết nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hiện đang còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại cuộc làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ vẫn còn một số tồn tại: Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được tổ chức thực hiện thường xuyên hơn, để có thể đánh giá sâu sát hơn nữa tình hình thực tế công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị trực thuộc và từng lĩnh vực. Đồng thời, một số đơn vị chưa chú trọng đến việc nghiên cứu các quy định về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hiện đúng quy định; việc theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên các chỉ tiêu tài chính theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã xây dựng chưa được chú trọng; công tác tổng hợp, báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị chưa được quan tâm, nên công tác tổng hợp, báo cáo chưa đầy đủ, và chậm so với yêu cầu, Bộ đã có văn bản chấn chỉnh kịp thời.

Qua kết quả làm việc bước đầu với Bộ Giao thông vận tải, Tổ công tác – Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với đánh giá của Bộ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 dự án luật, 49 nghị định, 11 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt 04/05 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành 267 thông tư và nhiều văn bản khác thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng.

Đồng thời, Bộ đã ban hành các Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm đầy đủ, triển khai tới toàn bộ các đơn vị trực thuộc để thực hiện, trong đó nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đảm bảo triển khai tốt Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các năm và giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu mối chủ trì triển khai thực hiện. Việc xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ được quan tâm triển khai kịp thời, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tuy nhiên, Tổ công tác thấy rằng, Bộ Giao thông vận tải chỉ ban hành các quyết định về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các năm mà chưa ban hành quyết định về Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; các năm 2016, 2020, 2021 còn ban hành Chương trình chậm so với quy định. Một số định mức kỹ thuật lao động ban hành đã lâu, có bất cập đã được Kiểm toán nhà nước nêu ra trong các đợt kiểm toán trước đây chưa được kịp thời xây dựng định mức mới phù hợp với tình hình thực tế. Qua làm việc với một số địa phương thì Tổ công tác thấy rằng kinh phí cho công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì đường bộ còn thấp, kinh phi chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các địa phương miền núi, chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, dẫn đến nguy cơ hư hỏng phải đầu tư kinh phí lớn để cải tạo.

Việc thực hiện chế độ chính sách, đơn giá định mức hiện hành, còn một số tồn tại, quy định chi phí chung 66% chi phí nhân công quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT BGTVT-BTC là chưa phù hợp và sát với thực tế; định mức vật tư cho một chu kỳ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia có bất cập chưa được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Một số đơn vị chưa chú trọng đến việc nghiên cứu các quy định về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hiện đúng quy định; việc theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên các chỉ tiêu tài chính theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã xây dựng chưa được chú trọng.

Nhiều dự án chậm so với tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn còn chưa cao

Thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu đánh giá, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác phát huy tốt hiệu quả đầu tư, cải thiện đáng kể năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án đưa vào sử dụng chậm so với tiến độ được phê duyệt ban đầu, một số dự án kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư lớn, trong đó hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia đều chậm tiến độ do nguyên nhân chủ yếu từ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn đã làm giảm hiệu quả của dự án, lãng phí nguồn lực. Điển hình một số dự án: cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; tuyến đường sắt đoạn Nhổn – ga Hà Nội…

Bên cạnh đó, trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn tồn tại một số nội dung chưa chính xác như: thẩm định nguồn vốn cho dự án chậm, dẫn đến dự án không hoàn thành đúng tiến độ; lập, thẩm định và phê duyệt bản vẽ thiết kế dự toán còn sai sót dẫn đến quá trình thi công phải điều chỉnh bổ sung, có hạng mục thi công xong phải phá bỏ; tỷ lệ giải ngân vốn còn chưa cao, phải kéo dài thời gian thanh toán…

Ngoài ra, một số đại biểu chỉ ra rằng, còn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chậm nghiệm thu, thanh lý, dừng hoạt động nghiên cứu…dẫn đến ảnh hưởng tính kinh tế, hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước

Thực hiện tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành giao thông- ngành xương sống trong nền kinh tế

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của Tổ công tác với Bộ Giao thông vận tải trong thời gian triển khai giám sát vừa qua. Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao, Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan để chuẩn bị báo cáo kết quả bước đầu quá trình giám sát.

 Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị báo cáo. Báo cáo giám sát thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng trong tổng hợp xây dựng báo cáo chung về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, là cơ sở, tư liệu quan trọng để Đoàn làm việc với các địa phương, các bộ, ngành khác, là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, toàn diện, có sơ cở lý luận và thực tiễn của các đại biểu, chuyên gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên tinh thần tích cực, thẳng thắn, cầu thị, cuộc làm việc này đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng, chỉ ra nhiều vấn đề, tồn tại, hạn chế cần bổ sung, trong báo cáo của Bộ. Đây là chuyên đề giám sát có nội dung rộng, được cử tri cả nước quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, bám sát đề cương giám sát, nghiêm túc hoàn thiện báo cáo, chuẩn hóa lại các thông tin, số liệu đảm bảo tính logic, chính xác; đồng thời khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện có để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.

Nhấn mạnh, các ý kiến, phân tích, nhận định, đánh giá tại cuộc làm việc đều có cơ sở pháp lý, thực tiễn vững chắc, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là nền tảng quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp tục làm việc với các cơ quan, đơn vị, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước, qua đó tổng hợp xây dựng báo cáo kết quả giám sát sớm nhất có thể để Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ; chuẩn bị dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc

 Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Giao thông vận tải.

Thành viên đoàn giám sát nghiên cứu tài liệu tại cuộc làm việc

Quan tâm đến tuyến đường sắt thí điểm đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ cần làm rõ về tình hình thực hiện dự án này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị cần có số liệu chính xác trong công tác quyết toán đối với các dự án đầu tư công; làm rõ việc chậm tiến độ giải ngân các dự án.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, việc quản lý sử dụng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ là một trong những lãng phí lớn, cần phải rà soát làm rõ nội dung này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị Bộ đánh giá về tình hình hoạt động của xe buýt nhanh BRT Hà Nội, chỉ rõ những kết quả đạt được và tồn tại hạn chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị báo cáo của Bộ cần có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn nữa; đồng thời cần chỉ rõ những kiến nghị giải pháp cần thực hiện để giải quyết những tồn tại hạn chế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho rằng vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành giao thông còn chưa được đánh giá rõ để tăng cường hiệu quả của lĩnh vực này.

Có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, một số số liệu chưa có sự thống nhất ảnh hưởng đến quá trình xem xét, đánh giá vấn đề. Vì vậy Bộ cần rà soát thật kỹ và có sự cung cấp số liệu chuẩn.

Đại diện một số Bộ, ngành cho rằng Bộ Giao thông vận tải chưa đánh giá hết những tồn tại hại chế của ngành, do đó chưa có được những kiến nghị cụ thể về mặt cơ chế, chính sách.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, làm rõ một số nội dung các thành viên Đoàn giám sát quan tâm

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của Tổ công tác với Bộ Giao thông vận tải trong thời gian triển khai giám sát vừa qua. Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao, Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan để chuẩn bị báo cáo kết quả bước đầu quá trình giám sát.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác