PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI BỘ NN & PTNT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

19/08/2022

Sáng ngày 19/8, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Công an về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Quang cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường; các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia.

Về phía cơ quan chịu trách nhiệm báo cáo có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021”, Đoàn Giám sát làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc xem xét, ban hành văn bản pháp luật liên quan, làm rõ vướng mắc bất cập về chính sách pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước. Do đó, đề nghị Bộ nghiêm túc và thẳng báo cáo về những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 của ngành mình; đồng thời báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ trong việc chỉ đạo quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát sẽ đánh giá, nhận rõ những ưu điểm, ghi nhận những mô hình hay, cách làm tốt, xác định những tồn tại, hạn chế, khó khăn, chỉ rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm với các cấp trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc tổ chức thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ còn vướng mắc

Báo cáo một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước hàng năm, công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, bao gồm kế hoạch đầu tư công hằng năm của Bộ đều thực hiện theo đúng quy định. Đối với nguồn chi ngân sách nhà nước thường xuyên, Bộ thực hiện quản lý trong phạm vi dự toán được giao, về cơ bản bảo đảm đúng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, khánh thành, tổng kết….; hạn chế bố trí kinh phi đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; kinh phí mua sắm trang thiết bị được quản lý chặt chẽ, đúng quy định; nâng cao kỷ luật ngân sách nhà nước; đồng thời, chấp hành nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tăng cường giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí của các đơn vị thuộc Bộ, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí như mua sắm, sửa chữa...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp báo cáo tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 của Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại này, Bộ kiến nghị cần thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; huỷ bỏ kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành; hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ban hành văn bản chế độ, định mức tiêu chuẩn trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước theo đúng lộ trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hằng năm đã được Bộ Nông nghiệp phê duyệt. Tuân thủ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.

Đại diện Tổ công tác – Đoàn giám sát báo cáo một số nội dung

Qua kết quả làm việc bước đầu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ công tác – Đoàn giám sát nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ đã nghiêm túc đánh giá và thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật cũng như trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị: Còn 164 cơ sở nhà đất chưa thực hiện sắp xếp, 21 cơ sở nhà đất thuộc diện xử lý sau khi sắp xếp nhưng chưa xử lý hoặc chưa có phương án tiếp tục sử dụng còn để sử dụng trái mục đích, giao dự toán hằng năm chậm so với quy định; việc quản lý đất lâm nghiệp có nơi chưa chặt chẽ, ranh giới rừng trên bản đồ và trên thực địa ở nhiều nơi chưa rõ ràng, chính sách giao đất rừng, khoán bảo vệ rừng còn khó khăn, chưa hiệu quả. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm; vấn đề phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép vẫn xảy ra; cháy rừng và mất rừng vẫn tiềm ẩn rủi ro công tác trồng rừng phòng hộ còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên còn thấp. Nhiều dự án vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, công tác chuyển đổi đất lúa, đất rừng còn vướng mắc.

Ngoài ra, qua rà soát, xem xét báo cáo và tham chiếu từ các kết luận của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tổ công tác nhận thấy, bảo cáo mới chỉ lượng hóa được số tiết kiệm trong một số nhiệm vụ, chưa lượng hóa được số lãng phí trong hầu hết các lĩnh vực; một số vấn đề, lĩnh vực xảy ra lãng phí mới dừng lại ở việc nêu nguyên nhân khách quan, chưa phân tích, đánh giá cụ thể, gắn trách nhiệm từng cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, chưa định lượng được lãng phí hoặc giá trị đem lại từ việc xử lý, khắc phục những vụ việc lãng phí xảy ra. Số lượng văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ được sửa đổi bổ sung còn nhiều. Số cuộc kiểm tra bình quân trên 250 cuộc/năm nhưng số vụ vi phạm chỉ có 2 vụ việc, điều này chưa phán ánh đúng thực trạng của Bộ.

Kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, thi hành

Thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng, Bộ chưa ban hành các văn bản, quy định trong đó xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí; các giải pháp để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo quy định tại Điều 7 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc tổ chức thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ còn vướng mắc do chưa cụ thể các tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng dẫn của Trung ương, dẫn đến việc xác định số liệu đưa vào chỉ tiêu báo cáo còn khó khăn, lúng túng, thiếu sót, thiếu sự thống nhất.

Các đại biểu đề nghị Bộ cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các nội dung thông tin, số liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát; rà soát, chuẩn hóa lại các thông tin đảm bảo tính logic, chính xác. Đồng thời, cần bổ sung các mô hình tốt, tấm gương tốt, cách làm hay trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn, tài sản nhà nước để biểu dương, khen thưởng, học tập, nhân rộng…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Bộ làm rõ các kiến nghị, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý theo đê xuất của các Bộ, ngành, địa phương và lộ trình tham mưu hoặc ban hành, sửa đổi bổ sung các văn bản theo thẩm quyền để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực nhà nước, tài sản công, quản lý, sửa dụng đất đai, tài sản công và các tài nguyên thiên nhiên.

Quan tâm đến vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, một số đại biểu chỉ ra rằng, vẫn còn các địa phương chưa đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa; đất bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng trái phép còn nhiều. Do đó Bộ, cần báo cáo rõ về tình trạng sử dụng đất này. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, cháy rừng dẫn đến thiệt hại lớn; công tác trồng rừng thay thế, chăm sóc quản lý rừng…

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, một số đại biểu chỉ ra rằng quan giám sát cho thấy vẫn còn tình trạng chi sai so với dự toán, nghiệm thu thanh toán không đúng với đối tượng, việc mua sắm chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, hồ sơ chứng từ còn chưa hợp lệ. Việc tính toán sai so với khối lượng thiết kế, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực dẫn tới ảnh hưởng tới tiến độ công trình.

Đảm bảo tính chính xác của số liệu, nhận định rõ vướng mắc để có giải pháp hữu hiệu

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổ công tác và sự phối hợp của các đơn vị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian triển khai giám sát vừa qua. Với tinh thần trách nhiệm cao, Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan để chuẩn bị báo cáo kết quả bước đầu quá trình giám sát.

Ghi nhận Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, chi tiết và công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, báo cáo giám sát thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đóng vai trò rất quan trọng trong tổng hợp xây dựng báo cáo chung về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, là cơ sở, tư liệu quan trọng để Đoàn làm việc với các địa phương, các bộ, ngành khác, là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, có sơ cở lý luận và thực tiễn của các đại biểu, chuyên gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên tinh thần tích cực, thẳng thắn, cầu thị, cuộc làm việc này đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng, chỉ ra nhiều vấn đề, tồn tại, hạn chế cần bổ sung, trong báo cáo của Bộ. Đây là chuyên đề giám sát có nội dung rộng, có ý nghĩa quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, bám sát đề cương giám sát, tiếp tục hoàn thiện báo cáo, chuẩn hóa lại các thông tin đảm bảo tính logic, chính xác, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, tổng hợp những mô hình hay, cách làm tốt; đồng thời khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện có để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến, phân tích, nhận định, đánh giá tại cuộc làm việc đều có cơ sở pháp lý, thực tiễn vững chắc, là nền tảng quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp tục làm việc với các cơ quan, đơn vị, có được cái nhìn tổng thể, khái quát, khách quan, toàn diện về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, qua đó tổng hợp xây dựng báo cáo kết quả giám sát, làm việc với Chính phủ, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp 

 Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ, là một trong các Bộ có các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều nhất, số lượng biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ là tương đối lớn, đề nghị Bộ làm rõ vấn đề này theo tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chỉ ra rằng, phá rừng, thất thoát tài nguyên rừng vẫn còn là một trong những thực trạng nhức nhối, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần làm rõ vấn đề này để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Đưa ra ý kiến thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng, nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực của Bộ, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại hạn chế, vướng mắc cần thẳng thắn nhìn nhận để rút kinh nghiệm

Một số đại biểu nêu rõ, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều tồn tại, cơ chế chỉ định thầu diễn ra tương đối nhiều. Để tránh thất thoát lãng phí cần có giải pháp khắc phục cơ chế này.

Có ý kiến đại biểu nhấn mạnh, việc đảm bảo diện tích lúa phải được chú trọng; chuyển đổi đất nông lâm trường vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ, các dự án đầu tư công của Bộ cơ bản là chậm, cần làm rõ các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, cần có số liệu chính xác và đánh giá rõ diện tích đất nông nghiệp bị hoang hóa không đưa vào sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan giải trình, làm rõ một số nội dung 

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, có sơ cở lý luận và thực tiễn của các đại biểu, chuyên gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên tinh thần tích cực, thẳng thắn, cầu thị, cuộc làm việc này đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng, chỉ ra nhiều vấn đề, tồn tại, hạn chế cần bổ sung, trong báo cáo của Bộ. 

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác