ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA DỰ THẢO QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI (SỬA ĐỔI)

10/02/2022

Chiều 10/2, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 4, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các Ủy viên Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi)

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi), Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 là cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ, quyền hạn đúng quy định, hoạt động đi vào nền nếp, chuyên nghiệp hơn, thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội, góp phần tích cực trong việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, các cơ quan của Quốc hội nói riêng.

Qua rà soát nhiều luật, Văn phòng Quốc hội thấy rằng có khoảng hơn 20 văn bản luật ban hành gần đây có quy định về việc thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ cụ thể của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên, những quy định này chưa được cập nhật, sửa đổi, bổ sung trong Quy chế năm 2015. Mặt khác, Quy chế năm 2015 đã bộc lộ những bất cập, một số quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Do đó cần sửa đổi Quy chế năm 2015 để kịp thời thể chế hóa các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; hoàn thiện quy định về quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cải tiến quy trình, cách thức tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần trình bày Tờ trình

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát và đề xuất, kiến nghị của các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội nhận thấy cần sửa đổi, bổ sung khoảng 49/74 điều trong Quy chế năm 2015. Nội dung phần lớn là cập nhật, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, quy trình, thủ tục để bảo đảm khắc phục việc thiếu quy định xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra; phù hợp với tình hình triển khai các hoạt động trong thực tế và thống nhất với các quy định tại một số luật mới ban hành.

Trong đó một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung như quy định trình tự, thủ tục thực hiện cho ý kiến bằng văn bản; xem xét báo cáo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại các phiên họp thường kỳ; sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông báo nội dung kết luận phiên họp; các quy định liên quan đến quản lý đại biểu Quốc hội; các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền…

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Quy chế (sửa đổi) bổ sung quy định về các hình thức họp trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến đối với phiên họp thường kỳ, các cuộc họp, hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; quy định về phiên họp chuyên đề, phiên họp bất thường; quy định hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung trao đổi về ý kiến ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm góp phần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội. Đồng thời, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Quy chế làm việc hiện hành; đề cao vai trò, trách nhiệm, tăng tính chủ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của các luật, nghị quyết có liên quan đến việc thực hiện thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu đề nghị việc sửa đổi Quy chế cần bám sát các quan điểm về thể chế hóa đầy đủ các yêu cầu có liên quan trong các Văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời xử lý các vấn đề mà thực tiễn đặt ra; khắc phục những bất cập trong các quy định của Quy chế hiện hành; bảo đảm tính thống nhất với quy định của các luật hiện hành, đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng bộ với việc đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; chỉ quy định về phương thức hoạt động, trình tự, thủ tục để làm rõ hơn việc thực hiện thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; không quy định thẩm quyền mới. Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát bổ sung đầy đủ các nội dung để bảo đảm thực hiện đúng, đủ các định hướng quan điểm chỉ đạo đã đặt ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao Văn phòng Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết, dự thảo Quy chế sửa đổi trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát các quy định liên quan. Song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý những gì luật đã có quy định cụ thể như quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tổ chức hoạt động giám sát…thì không quy định lại trong Quy chế này mà dẫn chiếu đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát; chỉ những nội dung Luật không quy định quy trình thủ tục thì mới quy định trong quy chế. Đồng thời đề nghị bổ sung việc xem xét quyết định ban hành văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình thủ tục rút gọn.

Dự thảo Quy chế được thiết kế theo hướng quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện đối với từng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cách thiết kế các điều khoản quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện đối với từng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể bao quát hết các nhiệm vụ và chưa thực sự thích hợp với quá trình đang tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hoạt động của Uy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy cần xem xét để quy định một cách khái quát liên quan đến quy trình giải quyết công việc bằng hình thức họp. Đồng thời, bổ sung quy trình xin ý kiến bằng văn bản, liên quan đến thời hạn, việc gửi phiếu xin ý kiến, việc tổng hợp ý kiến…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm quy định một cách khái quát, đầy đủ, toàn diện, không bỏ sót nội dung công việc

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, một trong những yêu tố góp phần vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đó chính là việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác một cách cụ thể, chi tiết, từ sớm, từ xa. Tuy nhiên nội dung này chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Quy chế sửa đổi. Vì vậy, cần quan tâm thêm đến các vấn đề như khái niệm chương trình công tác, xây dựng chương trình công tác theo năm, theo tháng, quý, danh mục chương trình công tác.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu quy định về việc tiếp nhận và trả lời văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc theo dõi đôn đốc thực hiện chỉ đạo, ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội; việc theo dõi tiến độ triển khai các công việc, xuyên suốt…  

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý tất cả các cơ quan liên quan, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều phải tập trung, quan tâm cho ý kiến vào dự thảo Quy chế này để bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, không bỏ sót đầu việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các thành viên Ủy ban Pháp luật thống nhất trình nội dung này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 8 tới; đồng thời đề nghị, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật để tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các dự thảo; lưu ý các cơ quan của Quốc hội cần quan tâm, tích cực tham gia ý kiến góp ý về Quy chế làm việc này.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Tạ Thị Yên

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu tại phiên họp và báo cáo làm rõ một số vấn đề.

Bảo Yến - Minh Thành