PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 4 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

10/02/2022

Sáng 10/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 4. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Tham dự phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, cùng các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Các Ủy viên Ủy ban Pháp luật, các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị cho phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo chương trình phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; thẩm tra dự thảo Quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI thành lập từ năm 2003. Trải qua hơn 18 năm hoạt động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Công tác đại biểu trên các lĩnh vực về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, chất vấn, bầu cử, bồi dưỡng đại biểu… ngày càng được khẳng định, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Đến nay, một số nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu đã được điều chuyển cho cơ quan khác, cũng như yêu cầu trong nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự, tổ chức bộ máy ngày càng cao. Bên cạnh đó, trước yêu cầu chung về đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các quy định của Hiến pháp, pháp luật mới ban hành đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/UBTVQH12 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 757/UBTVQH12 bảo đảm bám sát chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội; có tính kế thừa, đồng bộ và thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tiếp tục kế thừa những quy định còn hợp lý đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn hoạt đông của Ban Công tác đại biểu trong 18 năm qua; sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp do yêu cầu mới.

Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, đề xuất sửa đổi bổ sung về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu theo đó: Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu Quốc hội, tổ chức bộ máy và nhân sự, công tác Hội đồng nhân dân, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, dự thảo Nghị quyết lược bỏ những nhiệm vụ đã được điều chuyển cho Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; bổ sung một số nhiệm vụ đã được giao thực hiện và nhiệm vụ mới theo yêu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới. Trong đó, làm rõ hơn các nhiệm vụ của Ban trong công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và phối hợp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bổ sung thêm 2 nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu về xây dựng pháp luật và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan, tổ chức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi về ý kiến ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Khẳng định sau gần 20 năm hoạt động, Ban Công tác đại biểu đã ngày càng khẳng định được vị thế và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết liên quan đến chức năng nhiệm vụ Ban Công tác đại biểu lần này nằm trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội và xuất phát từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ thời gian qua và đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung sửa đổi Ban Công tác đại biểu xin ý kiến bao gồm việc tham mưu, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban Quốc hội; cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu và nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng ban, Phó trưởng ban.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết mới là rất cần thiết trong bối cảnh Nghị quyết số 575/UBTVQH12 về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu ban hành từ năm 2008, thời gian qua Ban Công tác đại biểu đã thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát dự thảo Nghị quyết để bảo đảm các quy định phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nhấn mạnh, nguyên tắc chung là quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan, Ban Công tác đại biểu không làm thay việc của cơ quan khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không làm thay việc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ban Công tác đại biểu là cơ quan giúp việc cho Ủỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu từ việc quy hoạch, bầu cử, công nhận, theo dõi quản lý, bồi dưỡng, đánh giá thi đua khen thưởng, các vấn đề về miễn trừ đến cả khi về hưu, sau về hưu…Do đó, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định cho đầy đủ. Đồng thời, quy định rõ chức năng của Ban Công tác đại biểu là đầu mối hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan trong thực hiện giám sát, bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; phân định rõ nhiệm vụ nào là tham mưu, nhiệm vụ nào là chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp thực hiện và quyết định theo thẩm quyền của Ban.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận 

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận, cơ bản Ủy ban Pháp luật thống nhất cao với sự cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Nghị quyết để thay thế Nghị quyết 575/UBTVQH12 về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban, đáp ứng yêu cầu đổi mới, thống nhất với các quy định pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết không chỉ khắc phục những bất cập đã được nhận diện, đảm bảo tính thống nhất của các quy định liên quan đến Ban Công tác đại biểu mà còn đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban trong tổng thể đổi mới của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về cơ bản các ý kiến nhất trí với nhiều nội dung dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm kỹ lưỡng từng quy định, làm rõ việc nào là chủ trì, phối hợp, tham mưu hay quyết định theo thẩm quyền; phân định với thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lưu ý quy đinh chặt chẽ đúng quy định của pháp luật, tiếp tục rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy, bảo đảm điều kiện làm việc…thống nhất với các văn bản tương tự. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý về thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết bảo đảm thống nhất với các văn bản liên quan, gắn với việc sửa đổi các quy chế làm việc của các cơ quan của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan tiếp tục tích cực phối hợp, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các dự thảo để kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 tới. 

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; đồng thới cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để quy định rõ nhiệm vụ Ban bảo đảm rành mạnh rõ ràng, chặt chẽ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Hiếu đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ các nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu theo hướng nhóm các nhiệm vụ là tham mưu, nhóm các nhiệm vụ chủ trì thực hiện, hay phối hợp thực hiện, hay quyết định theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành lưu ý việc sửa đổi Nghị quyết về chức năng nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu cần gắn với việc đổi mới hoạt động của Quốc hội

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Nghị quyết để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với các văn bản liên quan.

Bảo Yến - Minh Thành