Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao tặng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước cho các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên.
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, Quân khu 1 và lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thường trực Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.
Đọc diễn văn ôn lại truyền thống 190 năm ngày thành lập tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: Tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, được gọi là tỉnh Thái Nguyên từ năm 1831, nằm ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của vùng Việt Bắc và của cả nước, là phên dậu vững chắc bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, nhân dân Thái Nguyên tham gia hưởng ứng nhiều cuộc khởi nghĩa, trong đó, đặc biệt phải kể đến Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Thái Nguyên cũng là nơi ra đời Trung đội Cứu quốc quân II và là nơi tổ chức lễ thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân (ngày 15/5/1945) - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1954), Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm "An toàn khu" kháng chiến.
Tại đây, Bác Hồ đã cùng các đồng chí Trung ương Đảng họp bàn và quyết định nhiều quyết sách quan trọng đưa cuộc kháng chiến hào hùng đi đến thắng lợi, đặc biệt là quyết định mở chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, quân và dân tỉnh Thái Nguyên luôn là hậu phương vững chắc; cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Nơi đây đã ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trong đêm Noel năm 1972, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Năm 1996, Quốc hội đã phê chuẩn việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái thành lập vào ngày 1/1/1997, đây là sự kiện quan trọng, mở ra một trang sử mới trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Sau 25 năm tái lập, Thái Nguyên luôn phát huy vị trí, thế mạnh của tỉnh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo với nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Hiện nay, giá trị xuất khẩu Thái Nguyên đứng thứ tư cả nước; thu ngân sách đứng trong nhóm 20 tỉnh hàng đầu của cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 11%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi... Hiện tỉnh đã thu hút được 161 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 8,6 tỷ USD, gần 8.000 doanh nghiệp trong nước; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; GDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 lên gần 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, mục tiêu đến năm 2025 là 150 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng GRDP 8%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, từ 11,21% năm 2016 xuống còn 2,82% năm 2020...
Trong thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn... khẳng định vị thế, vai trò của Thái Nguyên là động lực, là cực tăng trưởng trong liên kết vùng và với các tỉnh lân cận....
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thực hiện nghi thức trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua; đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thái Nguyên phải tích cực phấn đấu trở thành tỉnh tự cân đối được ngân sách, xứng đáng với vai trò, vị thế, tiềm năng của tỉnh trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, quan tâm hơn nữa đến các vấn đề văn hóa, y tế, xã hội, phát triển giáo dục đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao năng lực hệ thống y tế, đầu tư cho khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và nâng cao toàn diện đời sống nhân dân.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... Tỉnh cần chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên với phương châm “cán bộ là gốc của mọi công việc, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đủ đức, đủ tài”; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho tỉnh Thái Nguyên.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Cờ thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên; trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 7 cá nhân và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 1 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Sau Lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật "Thái Nguyên bừng sáng tương lai” với các tiết mục được dàn dựng công phu do trên 100 diễn viên chuyên và không chuyên thể hiện. Qua các tiết mục hát múa, hoạt cảnh giàu tính nghệ thuật như: "190 năm danh xưng Thái Nguyên”, "Khúc tráng ca Lưu Xá”, “ATK nhớ mãi ơn người”, "Thái Nguyên vào hội”…
Chương trình đã tái hiện sinh động mảnh đất, thiên nhiên và con người Thái Nguyên kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, xây dựng, phát triển tỉnh ngày một giàu đẹp và một Thái Nguyên ngày nay đang chuyển mình đổi mới, trở thành trung tâm thu hút nguồn lực đầu tư, sáng tạo và phát triển mạnh mẽ, xứng danh truyền thống quê hương cách mạng anh hùng.