THẢO LUẬN Ở TỔ 4 VỀ CHƯƠNG TRÌNH MTQG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 2021-2025

23/07/2021

Thảo luận ở tổ 4 về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đa số có các đại biểu nhấn mạnh vấn đề phân cấp phân quyền cho địa phương, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu... Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham gia thảo luận.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 4.

Tổ 4 gồm 4 Đoàn ĐBQH tham gia thảo luận: Hà Giang, Nam Định, Quảng Nam và Bình Thuận. Đồng chí Dương Văn An, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, điều hành phiên họp.

Đa số các đại biểu cơ bản tán thành với các Tờ trình của Chính Phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và Ủy kinh tế, đồng thời khẳng định sự cần thiết xây dựng Chương trình nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu, khắc phục tồn tại, hạn chế của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, từng bước tăng tính bền vững của kết quả giảm nghèo, nâng cao đời sống của một bộ phận nhân dân; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng như hiện thực hóa các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ 4.

Đánh giá cao ý nghĩa sâu sắc của các CTMTQG đem lại, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chương trình như khó khăn về nguồn đầu tư, công tác tuyên truyền nhận thức cho người dân còn hạn chế. Chủ thể người nông dân chưa được phát huy trong xây dựng nông thôn mới. Tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tình hình buôn bán ma tuy, trộm cắp ngày càng phức tạp, số lượng người buôn bán ma túy tăng lên, nạn bạo lực gia đình ở khu vực nông thôn gia tăng….

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh khẳng định thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững là rất cần thiết. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư cho các địa phương, tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới, đề nghị Chính phủ xem xét nguồn lực đầu tư để đạt các tiêu chí này phải đảm bảo tính khả thi, nhất là tiêu chí đạt nông thôn mới kiểu mẫu, quan trọng là phải chất lượng, không chạy theo thành tích.

Về giải pháp thực hiện, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, chú trọng quản lý chặt chẽ nguồn lực và quản lý hiệu quả, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội, giám sát của cộng đồng dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhân dân phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát cộng đồng dân cư trong việc thực hiện các CTMTQG. Đi liền với đó là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, biểu dương gương người tốt việc tốt, thông tin đến đại chúng để nhân rộng những gương người tốt, tấm gương điển hình.

Đánh giá tổng thể 2 CTMTQG trong 10 năm qua, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho rằng các chương trình có nhiều dự án dàn trải, dễ bị trùng lặp do chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư. Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đại biểu Tráng A Dương đề nghị chỉ nên đưa 1 Ban Chỉ đạo, trong Ban cần phân công các đồng chí Phó ban Thường trực là Giám đốc Sở và 1 Phó ban phụ trách vấn đề xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng lớn đến số lượng đồng bào dân tộc thiểu số, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ 4.

Khẳng định CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong thời gian qua, đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho rằng đó là nhờ đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp vào tổng giá trị GDP của cả nước, trong đó có ngành nông nghiệp công nghệ cao. Nông thôn hiện đại, quá trình hiện đại hóa nông thôn tốt hơn rõ rệt, đời sống và thu nhập của người dân được nâng lên.

Tuy nhiên đại biểu cũng chỉ ra rằng qua nhiều năm thực hiện, CTMTQG xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ cần tập trung vào những nơi vô cùng khó khăn, miền núi xã xôi, nơi chịu nhiều khó khăn của thiên tai, bão lũ. Do vậy, ngân sách nhà nước cần đầu tư tương xứng cho những vùng, địa phương này.

Đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng không nên đầu tư trực tiếp cho người nghèo với quan điểm “chỉ đầu tư cần câu, không đầu tư con cá”. CTMTQG Xây dựng nông thôn mới đầu tư ít nhất 50%, tín dụng 30%, doanh nghiệp và Hợp tác xã 15%, còn người dân đầu tư ít nhất 5%. Đại biểu đề nghị phải bố trí đầy đủ nguồn lực này ngay từ giai đoạn đầu của chương trình, đồng thời cần phân cấp phân quyền cho địa phương, cấp ủy chính quyền địa phương, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, đề nghị Chính phủ quan tâm và sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đại biểu cũng đề xuất thành lập 1 Ban Chỉ đạo Trung ương để thực hiện 3 chương trình. Bên cạnh đó, Đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ cần sớm quy định trách nhiệm chủ trì, phối hợp với từng bộ ngành. Đồng thời quy định về nguyên tắc tiêu chí phân bổ Ngân sách Trung ương và đối ứng vốn, Chính phủ cần có căn cứ vững chắc hơn để có tính pháp lý cao hơn. Đại biểu cho rằng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các địa bàn khó khăn, đúng mục đích.

Chỉ ra thách thức lớn đối với nông thôn hiện nay về tiêu chí bảo vệ môi trường, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch giải quyết căn cơ vấn đề môi trường nông thôn, Chính phủ quan tâm triển khai Luật Bảo vệ môi trường có hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ 4.

Phát biểu thảo luận tại tổ 4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá các báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng nhưng còn nhiều vấn đề cần xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, tùy từng địa phương mà chúng ta quyết định thứ tự ưu tiên cho mỗi địa phương đó, đề nghị nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng vấn đề này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vốn phải phân bổ về các địa phương, và cấp ủy chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; đề nghị cần tập trung nâng cao năng lực trực tiếp cho các đối tượng của chương trình, phương thức giúp đỡ cho đồng bào, đồng thời cần xem xét, tính toán cơ cấu nguồn vốn, đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông./.

Bích Ngọc - Minh Hùng