PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI THAM GIA THẢO LUẬN TẠI TỔ 4 VỀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

22/07/2021

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 22/7, Quốc hội thảo luận tại tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển KT-XH hội 5 năm 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham gia phiên họp tại tổ 4.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 4.

Tổ 4 gồm 4 Đoàn ĐBQH các tỉnh tham gia thảo luận: Hà Giang, Nam Định, Quảng Nam, Bình Thuận. Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chủ trì thảo luận.

Thảo luận tại tổ 4, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. 

Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. 

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ 4, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết, trong bối cảnh tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiện vẫn chưa có ca nào lọt qua biên giới của Hà Giang. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương, cả hệ thống chính trị trên cơ sở những biện pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho công tác chống dịch tại Hà Giang đạt được kết quả tốt.

Trước diễn biến dịch Covid-19, đại biểu nhận định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đưa ra 12 giải pháp rất toàn diện, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

- Về kịch bản tăng trưởng, đại biểu cho rằng kịch bản có tính dự báo, biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội. Kịch bản tăng trưởng lồng ghép với công tác phòng chống dịch. Nếu Việt Nam sản xuất và chủ động được nguồn vaccine thì sẽ rất tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên cần có kịch bản rõ ràng, cụ thể hơn, nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên hỗ trợ cho người lao động và người dân, hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp như thế nào.

- Từ định hướng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đại biểu kiến nghị cần có công tác quy hoạch, phải đảm bảo quy hoạch không chồng chéo. Bởi thực tế hiện nay vẫn còn thiếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, thiếu nhà tư vấn quy hoạch, cần có định hướng quy hoạch đồng bộ, thống nhất. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu cho rằng cần thực hiện giám sát tối cao và có chỉ đạo thực hiện cụ thể về công tác quy hoạch.

- Trưởng Đoàn ĐQBH tỉnh Hà Giang cũng đề cập đến hạn chế chậm giải ngân đầu tư công trong thời gian qua, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ điều hành, phân bổ nguồn ngân sách đầu tư công linh hoạt hơn. quy trình cần rút ngắn hơn. Nguồn đầu tư công phải tập trung trọng tâm, trọng điểm. Đại biểu cho rằng những luật nào ảnh hưởng đến quá trình đầu tư công thì cần sửa đổi luôn 1 lần.

- Đại biểu cũng kiến nghị cần có chính sách cho đội ngũ y, bác sỹ trong giai đoạn hiện nay khi họ phải đối mặt với khó khăn, thách thức, hiểm nguy. Đại biểu cũng nhấn mạnh đếm tầm quan trọng của văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống của con người Việt Nam, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách cần được đẩy mạnh hơn nữa, bởi trong giai đoạn khó khăn này, đó chính là giải pháp để phòng chống dịch.

Thống nhất cao các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, khẳng định: trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ mới và các bộ ngành trung ương đã bắt tay nhanh, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực, tin tưởng sự điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị 4 nội dung mà người dân còn nhiều trăn trở: Thứ nhất, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, người dân mong muốn sớm được tiêm vaccine. Đây là mong muốn và bức xúc nhất của người dân hiện nay; Thứ hai, liên quan đến lĩnh vực du lịch, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến chính sách miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là ở những địa phương gặp khó khăn như Hội An, Mỹ Sơn; Thứ ba, đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn đến các chương trình mục tiêu quốc gia ở Quảng Nam, một số cơ chế chưa phù hợp cần sớm khắc phục để đời sống người dân giảm bớt khó khăn; Thứ tư, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 34 để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ cấp xã, có cơ chế chính sách phù hợp để các cán bộ cấp xã yên tâm làm việc.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Văn Dũng, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đề nghị cần cải cách lại bộ máy Nhà nước để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hợn. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần giảm bớt bộ phận trung gian để tinh gọn bộ máy, đồng thời tăng cường tập trung nhiều hơn các chính sách cho các cơ sở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ 4.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã tập trung hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản, tạo đà tăng trưởng. Nhưng đi liền với đó vẫn còn những thách thức mới, đặc biệt là dịch Covid-19, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đến các mục tiêu. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý khi đánh giá các báo cáo cần quan tâm đến bối cảnh tác động. Nếu không có dịch Covid thì chúng ta sẽ hoàn thành kế hoạch 5 năm vừa qua rất khả quan.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có thách thức rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục kiểm soát bội chi, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đầu tư có hiệu quả. Việc cân đối tài chính ảnh hướng đến 5 năm tới, do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải phân kỳ, chia giai đoạn trong 5 năm tới để phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Chính phủ đã đề xuất với tinh thần thực hiện các chỉ tiêu 5 năm 2021-2025 rất quyết liệt là chi thường xuyền cần giảm xuống, đầu tư tăng lên, coi đầu tư là động lực của tăng trưởng, đầu tư công là động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại hiện nay gây ra những vướng mắc, một trong số đó là liên quan đến vấn đề thể chế, cụ thể là thể chế luật pháp liên quan đến vai trò của Quốc hội. Nhiệm kỳ qua, Quốc hội sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, môi trường và tài chính… Luật đầu tư công đã tháo gỡ nhiều nút thắt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị thời gian tới cần lựa chọn có trọng tâm trong việc xây dựng và sửa đổi, bổ sung các luật. Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí tập trung sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ nút thắt, giải phóng nguồn lực và quản lý tốt hơn tài sản, tài nguyên quốc gia. Bên cạnh đó cần sửa đổi các luật khác để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc thì cần phải xác định rõ là do luật hay do các văn bản dưới luật, hay do nhận thức chưa hết? Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua có rất nhiều ý kiến về đầu tư công, nhưng khi Quốc hội rà soát lại thì nhận thấy Luật Đầu tư công đã tháo gỡ hầu hết các khó khăn, vướng mắc. Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, Luật Đầu tư công cũng đã nêu rất rõ. Việc giải phóng mặt bằng ở các dự án quan trọng quốc gia được xin phép Quốc hội, còn ở các địa phương thì các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án và chuẩn bị đầu tư, trong đó có giải phóng mặt bằng. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng đây là vấn đề nhận thức, đề nghị cần rà soát lại để tháo gỡ vướng mắc, nhận thức lại để tổ chức thực hiện.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội sẽ xem xét, quyết định giám sát tối cao hoặc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành. Chất lượng của công tác quy hoạch sẽ quyết định kế hoạch, chất lượng đầu tư.

Đề cập đến cơ chế phân bổ ngân sách phải công bằng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các địa phương khó khăn mong muốn được điều tiết, hỗ trợ nhiều hơn nhưng các địa phương khác sẽ băn khoăn đến vấn đề mất cân đối ngân sách. Cho nên đề nghị khi phân bổ nguồn vốn phải đảm bảo công bằng, xác định tỉ lệ khi phân bổ bao nhiêu thì Chính phủ cần tính toán hết sức chặt chẽ, phân bổ chi thường xuyên ngân sách phải tính toán kỹ lưỡng, tỉ lệ điều tiết phải hợp lý để đảm bảo tính công bằng, khoa học, sát với thực tế.

Trong bối cảnh khó khăn này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, việc cảnh bảo nguy cơ nợ công cao, nợ xấu tăng là hiện hữu. Ngân hàng huy động vốn khó, cho vay khó... do vậy đề nghị Chính phủ cần điều tiết kết hợp với chính sách tiền tệ, tài chính. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn sắp tới./.

Bích Ngọc - Minh Hùng