Nâng cao nhận thức pháp luật cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số

25/04/2013

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Ðề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số (Ðề án 554) giai đoạn 2009 - 2012, các cơ quan thực hiện Ðề án ở Trung ương và địa phương đã tiến hành nhiều hình thức, từ việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành hàng triệu tờ gấp, sổ tay, băng đĩa tuyên truyền pháp luật đến xây dựng thí điểm hàng chục mô hình thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tại 10 xã thuộc các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Sóc Trăng...

Nhờ vậy, trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân nông thôn từng bước được nâng cao, bước đầu tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật, nhất là  cán bộ, nhân dân vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về pháp luật, cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân đúng pháp luật đã tốt hơn so với trước. Số vụ khiếu kiện giảm, người dân có ý thức hơn trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến công việc...

 Tuy nhiên, việc thực hiện Ðề án, chương trình tuyên truyền pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số đang chậm tiến độ. Ðến nay, Ðề án 554 mới thực hiện 50% các chỉ tiêu đề ra. Với 35 trong số 63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định phê duyệt Ðề án, hiện còn 28 tỉnh không phê duyệt đề án, một số địa phương chưa có báo cáo kết quả, không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án... Trong khi đó, mục tiêu đề ra của Ðề án trong giai đoạn 2012-2016 là, phấn đấu tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 70% số người dân nông thôn, 60% số đồng bào dân tộc thiểu số tại 1.848 xã đặc biệt khó khăn, 69 huyện nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; 100% số cán bộ hội nông dân và 50% số cán bộ ấp, thôn, bản được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; 95% số cán bộ công chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

 Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chiếm vị trí hết sức quan trọng trong việc thực hiện luật pháp, nhất là đối với nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, hiện chiếm hơn 70% số dân cả nước. Vì vậy để đạt mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương  cần khẩn trương tập trung rà soát lại các chỉ tiêu, chủ động nghiên cứu, đổi mới cách tuyên truyền; đồng thời xác định rõ trách nhiệm "vào cuộc" của cấp ủy, chính quyền các cấp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả của Ðề án. Trước mắt, cần tổ chức phối hợp, lồng ghép thực hiện Ðề án với các chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật đang được cả xã hội quan tâm, như đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, và Luật Ðất đai 2003, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm... Cơ quan chủ quản Ðề án   cần có hình thức khen thưởng kịp thời các địa phương làm tốt Ðề án 554 trong thời gian qua.

LINH ANH

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác