Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Không ngừng đổi mới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

30/12/2024

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Phát huy tinh thần không ngừng đổi mới của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đã chủ động, sáng tạo trong phương thức hoạt động, triển khai hiệu quả, toàn diện các mặt công tác. Kết quả hoạt động của Đoàn, được cử tri đánh giá cao, tạo nhiều chuyển biến tích cực tại địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Nhìn lại chặng đường đã qua của nhiệm kỳ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam khẳng định, các ĐBQH trong đoàn luôn thể hiện sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp hoạt động chặt chẽ, hiệu quả, nỗ lực, đóng góp nhiều ý kiến với Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thể hiện trách nhiệm của đại biểu trong việc phản ánh tình hình của địa phương, nguyện vọng của cử tri để góp phần cùng Quốc hội xác định các mục tiêu, giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay.

Tổ chức tham vấn, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng trong công tác lập pháp

Về công tác xây dựng luật, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp cùng Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan, các chuyên gia tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với 27 dự án luật được Quốc hội thông qua và xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc Khóa XV. Đồng thời, tổng hợp báo cáo gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội đúng thời gian quy định.

Tại các phiên thảo luận Tổ cũng như thảo luận tại Hội trường về các dự án luật, dự thảo Nghị quyết, ĐBQH đoàn Hậu Giang phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các nội dung trọng tâm.

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham gia góp ý tại phiên thảo luận Tổ

Tập trung giám sát đối với những vấn đề bức xúc, nổi cộm

Về công tác giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang đã bám sát vào Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tình hình thực tế tại địa phương, tập trung giám sát đối với những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang đã tổ chức triển khai và thực hiện 4 cuộc giám sát. Đồng thời, tham gia cùng Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát về việc ban hành và thực thi chính sách pháp luật về công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp CNTT, công nghệ số trên địa bàn tỉnh; giám sát tại tỉnh Hậu Giang; tham gia cùng Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện cải cách hành chính gắn với công tác xây dựng chính quyền, chính quyền điện tử” trên địa bàn tỉnh”.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Vị Thanh

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tổ chức theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát việc xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh. Qua theo dõi, Đoàn đại biểu Quốc hội đã nhận đầy đủ các văn bản trả lời các ý kiến, kiến nghị của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; việc xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được các ngành chức năng xem xét giải quyết, trả lời cho công dân theo quy định, tỷ lệ đạt 100%.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, tại các Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tích cực, trách nhiệm, trí tuệ trong mỗi kỳ họp

Tại các Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đều tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình với tinh thần trách nhiệm cao góp phần hoàn chỉnh các dự án Luật, Nghị quyết và những chủ trương lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể với 77 lượt ý kiến đóng góp (trong đó có 11 lượt ý kiến thảo luận tại Đoàn; 49 lượt ý kiến thảo luận Tổ; 15 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường; 02 lượt ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và gửi 02 ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Các vị ĐBQH tỉnh Hậu Giang tích cực tham gia góp ý tại các phiên họp Tổ cũng thảo luận tại Hội trường 

Lắng nghe, đồng hành cùng cử tri

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức 17 hội nghị tiếp xúc cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội Khóa XV (trong đó, lồng ghép 02 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động; tiếp xúc trực tiếp tại 17 điểm, kết hợp trực tuyến đến 09 điểm) tại 08 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với 5.110 lượt cử tri tham dự, có 176 lượt phát biểu, với 335 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua đó, đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định. Bên cạnh, các ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được trả lời tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có văn bản trả lời cụ thể các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tỉnh Hậu Giang sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

Các văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức thông báo công khai tại các cuộc Hội nghị tiếp xúc cử tri; phối hợp với Báo Hậu Giang đăng nội dung văn bản tại chuyên mục “Đoàn đại biểu Quốc hội trả lời kiến nghị cử tri”; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang phát sóng trên chuyên mục “Đồng hành cùng cử tri”.

Kịp thời thúc đẩy giải quyết hiệu quả các kiến nghị của cử tri

Thực hiện tốt Luật Tiếp công dân; Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13, Đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang tổ chức tiếp công dân định kỳ hàng tháng (mỗi tháng 01 lần) tại Trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội để các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời cử công chức tiếp dân thường xuyên tại Trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội và Trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Trong năm 2024, đã tiếp được 31 lượt công dân tại Trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội và nhận được 28 đơn thư của công dân gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang và các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu từng nội dung và trao đổi với cơ quan chuyên môn, phân loại xử lý đơn để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan giải quyết kịp thời đúng quy định pháp luật. Kết quả xử lý: 100% đơn, thư đã được giải thích, hướng dẫn và chuyển các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định.

Bên cạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xây dựng báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024 và thực hiện báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng gửi đến Ban Dân nguyện theo quy định.

Phát huy vai trò cầu nối, góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH của địa phương

Ngoài ra, về công tác an sinh xã hội, nhân dịp Tết nguyên đán năm 2024, các đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các ĐBQH đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội như: Thăm, tặng 1.920 phần quà cho các đối tượng là các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ đang công tác, sinh sống tại TP. Cần Thơ, Hậu Giang, các gia đình chính sách, người có công, gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; vận động các đơn vị tài trợ tặng 110 căn nhà Đại đoàn kết, xây dựng đường giao thông nông thôn… với tổng số tiền: 20 tỷ 276 triệu đồng.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam trao quà cho đoàn viên, người lao động.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cũng cho biết, trong năm 2025 Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác. Trong đó, đối với công tác xây dựng Luật, tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến Luật tại các Hội nghị, Hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức. Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách... Phối hợp cùng Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan và các chuyên gia tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với các dự án luật theo chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2025 của Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam

Đối với công tác giám sát, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội. Thực hiện giám sát, khảo sát những vấn đề nổi cộm được cử tri, Nhân dân quan tâm theo chương trình, kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội trong năm 2025; giám sát, khảo sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến tại các Kỳ họp Quốc hội; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.

Tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, thứ 10 Quốc hội khóa XV và các phiên họp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà các đại biểu là thành viên.

Ngoài ra, ĐBQH tiếp tục chú trọng triển khai các hoạt động khác theo chức năng, nhiệm vụ như: Hoạt động tiếp xúc cử tri; Tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân./.

Lê Anh